Bác Ái tự - một trong những ngôi chùa cổ nhất Tây Nguyên

09:18, 19/04/2015

Chùa Bác Ái- một di tích đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nằm yên bình, tĩnh lặng trên đường Mạc Đĩnh Chi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tây Nguyên, nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý như: Sắc tự, chiếc phản gỗ, bức tượng Quan Âm…

Chùa Bác Ái được xây dựng từ những năm 1931-1932. Hòa thượng Thích Chánh Quang-Trụ trì đời thứ tư chùa Tổ đình Bác Ái cho biết, ngày chưa có chùa, xung quanh vùng chỉ toàn rừng rậm. Người dân từ miền xuôi lên khai hoang, gặp nhiều nguy hiểm như rắn rết, thú dữ rình rập, đêm đêm từ trong rừng sâu vẳng lại tiếng thú gầm gừ kinh hãi. Lúc bấy giờ, ông Võ Chuẩn đã thỉnh Hòa Thượng Hoằng Thông-thủ tọa chùa Bạch Sa (Quy Nhơn) lên làm lễ cầu siêu và cung thỉnh khai tự Bác Ái. Ngôi chùa Bác Ái được dựng lên trên nền rừng khai hoang, vách đất mành tre trở thành nơi thờ phụng đầu tiên của cả phật tử người Kinh và Thượng trên Tây Nguyên.

 

Tại chùa Bác Ái còn lưu giữ nhiều những cổ vật quý hiếm. Một trong những cổ vật đó là bức sắc tự do vua Bảo Đại ban vào năm 1933. Sau khi chùa Bác Ái được xây dựng xong, vua Bảo Đại đã đích thân từ Huế lên viếng chùa và đã ban sắc tự cho chùa. Đến nay, bảng hiệu 5 chữ “Sắc tứ Bác Ái tự” vẫn còn giữ nguyên màu vàng óng trên nền đỏ rực, trang trọng nằm ngay lối vào gian chính điện. Cũng trong lần ngự sắc ấy, vua Bảo Đại đã cúng dường cho chùa một bộ phản gỗ rất chắc chắn 6 người khiêng không xuể. Đặc biệt, bức tượng Quan Âm Bồ Tát làm bằng gốm men rạn có từ thế kỷ XVI được coi là vật báu lâu đời nhất được truyền giữ tại chùa cho tới bây giờ.

 

Không to lớn, đồ sộ, chùa Bác Ái nằm im lìm, thanh tịnh giữa không gian rợp bóng cây xanh cổ thụ. Song, những câu chuyện truyền miệng về ngôi chùa, lối kiến trúc cùng với những vết tích xưa như tấm sắc, tượng Quan Âm, những câu đối, bức hoành phi…chùa Tổ đình Bác Ái vẫn giữ được dáng dấp cổ mặc, thanh bình./.