Từ bao đời nay, hệ thống nhà vườn cổ là tài sản quý giá, góp phần tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của di sản kiến trúc, văn hóa Huế. Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm chịu tác động của thời tiết, thiên tai, kiến trúc nhà cổ xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành chính sách quản lý và hỗ trợ bảo vệ nhà vườn Huế đặc trưng, tích cực góp phần phát huy giá trị di sản, giữ gìn bản sắc văn hóa Huế.
Niềm tự hào di sản nhà vườn
Ngoài hệ thống đền đài, lăng tẩm…, quần thể di sản kiến trúc văn hóa Huế còn có một chỉnh thể rất quan trọng là hệ thống nhà cổ, nhà vườn. Những vườn phủ đệ, vườn chùa, vườn nhà... được hình thành từ khi các chúa Nguyễn vào trấn Thuận Hóa và chọn Huế là thủ phủ của xứ Đàng Trong. Xuất hiện giữa thế kỷ XVI và xây dựng quy mô vào những năm nửa đầu thế kỷ XVII, XVIII - thời điểm Kim Long, Phú Xuân được chọn làm kinh đô, và nhất là thời kỳ xây dựng kinh thành Huế từ đầu thế kỷ XIX, nhà cổ, nhà vườn cổ Huế được hoàng thân quốc thích, quan lại tập trung xây dựng. Nhiều cơ ngơi của cá nhân hay dòng tộc được xây dựng, và cứ thế, các thế hệ trong gia đình cùng nhau chung sống dưới một mái nhà.
Nhiều du khách đã ngỡ ngàng khi đến với nhà rường cổ với các giá trị lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật sống của chủ nhân, ẩn giấu trong từng ngôi nhà. Chúng tôi có dịp ghé thăm nhà mệ Lê Thị Túy ở số 2/3 Phú Mộng, phường Kim Long (TP Huế), một trong những ngôi nhà rường tiêu biểu. Đây là tư phủ của quan Thượng thư Bộ Lễ triều đình Huế Phạm Hữu Điển, dựng theo kiến trúc nhà rường, nhà vườn mẫu mực Huế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Mệ Túy đã 90 tuổi, vẫn còn minh mẫn, dẫn chúng tôi đi tham quan khu vườn nhà mình. Ngôi nhà chính có ba gian, hai chái có tiền đường dành cho việc thờ phụng tổ tiên với các bức đại tự, hoành phi, đối, liễn... Ngôi nhà ngang cũng thiết kế theo kiểu ba gian, hai chái nối với nhà chính bằng một mái nhà cầu xinh xắn, khép kín với khu bếp ở hậu hiên. Tòa nhà lợp ngói liệt, nằm ẩn mình dưới vườn cây bát ngát tạo nên không gian yên bình đến lạ…
Chiếc cổng vòm nhà mệ Túy là hình ảnh đặc trưng của nhiều nhà vườn ở Huế. Không ít gia chủ dụng công chạm khắc lên cổng nhà mình vài ba câu đối bằng chữ Hán cùng tấm bình phong như che chắn, bảo vệ nếp nhà. Sau bình phong là hòn non bộ, nhưng đôi khi chính hòn non bộ giữ chức năng của tấm bình phong. Non bộ là nơi để gia chủ tái hiện cảnh “sơn thủy hữu tình” với núi non thu nhỏ, có hang động, chùa tháp, suối, thác; có người và thú vật; tượng trưng cho cảnh sinh hoạt hay một sự tích lịch sử nào đó. Nhà rường là công trình kiến trúc chủ đạo trong tổng thể nhà vườn Huế. Nhà có một gian, ba gian, hoặc năm gian hai chái tọa lạc trong một khu vườn xinh xắn được bao bọc bởi những hàng chè tàu. Đặc trưng của nhà vườn Huế là hòa điệu một cách trọn vẹn giữa con người và thiên nhiên. Không ít chủ nhà đã tạo nên những góc ngồi thư giãn dưới những bóng mát trong vườn. Họ muốn thể hiện chất an nhàn, lịch lãm của một nếp nhà có truyền thống nhiều đời phong lưu. Mỗi khu vườn có thể rộng vài mẫu hoặc năm đến bảy sào; trồng nhiều loại cây đặc sản như măng cụt, xoài, sầu riêng Nam Bộ, nhãn lồng Hưng Yên, hồng xứ Lạng... Tuy nhiên, chủ vườn không đặt nặng giá trị kinh tế, miễn sao mùa nào cũng có hoa thơm, quả ngọt để đơm cúng tổ tiên.
Theo điều tra của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Viện Kiến trúc Việt Nam), trên địa bàn Thừa Thiên - Huế hiện có gần 900 nhà truyền thống, bao gồm nhà vườn, nhà ở truyền thống, phủ đệ, phủ thờ. Phần lớn nhà rường làm bằng gỗ, tồn tại đã lâu, lại ở trong vùng thời tiết khắc nghiệt cho nên một số nhà xuống cấp trầm trọng, trong khi không phải gia chủ nào cũng có điều kiện sửa chữa. Nhà vườn có diện tích lớn, mỗi năm chủ nhà phải đóng thuế đất khá cao, trong khi thu nhập từ vườn nhà thấp. Trước nhu cầu cuộc sống, một số chủ vườn đã âm thầm phân lô đất vườn, thậm chí tháo dỡ nhà cổ để bán dưới hình thức trao tay, xây lại nhà hiện đại. Từ năm 1998 đến nay, có hơn 100 nhà rường bị tháo dỡ, triệt hạ hoặc chia cắt vườn nhà để xây dựng các công trình mới. Thành phố Huế hiện có hơn 800 nhà vườn thuộc diện tập trung quản lý tôn tạo, trong đó có 150 nhà vườn tiêu biểu cần được bảo tồn.
Bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn
Để bảo tồn nhà vườn, từ năm 2006, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Nghị quyết 3i/2006/NQBT-HĐND về “Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế, giai đoạn 2006-2010” (gọi tắt là Nghị quyết 3i). Do một số hạn chế, quá trình thực hiện đề án này không mang lại hiệu quả, chưa bảo tồn được nhà vườn như mong muốn. Theo đồng chí Phạm Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, sau gần bảy năm triển khai, Nghị quyết 3i chưa thật sự đi vào cuộc sống như mong đợi. Nguyên nhân chủ yếu do số lượng nhà vườn được đề xuất bảo tồn lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách; chính sách hỗ trợ về thuế sử dụng đất không được áp dụng cơ chế đặc thù cho nên các chủ nhà vườn gặp nhiều khó khăn; việc triển khai chính sách quá chậm...
Nhằm tiếp tục bảo vệ các nhà vườn, mới đây, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Nghị quyết 02/2015 về Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Theo đó, sẽ tập trung hỗ trợ để bảo vệ từ 25 đến 40 nhà vườn Huế đặc trưng trong giai đoạn 2015-2020. Riêng năm 2016, có 14 nhà vườn được tham gia đề án. Các nhà tùy theo quy mô, vị trí, giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, hiện trạng… được hỗ trợ đến 700 triệu đồng/nhà (loại 1), không quá 500 triệu đồng/nhà (loại 2) và không quá 400 triệu đồng/nhà (loại 3) để trùng tu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị từ Quỹ Bảo trợ nhà vườn Huế. Ông Phạm Đăng Thiêm, chủ nhân Đền thờ Đức Quốc Công (phường Kim Long, TP Huế), một trong những gia đình được hỗ trợ lần này cho biết: “Từ trước đến nay, họ tộc chúng tôi tự bỏ kinh phí để tôn tạo đền thờ một số lần nhưng cũng ở mức độ vừa phải, bởi đền thờ được xây dựng đã 166 năm và rất rộng cho nên muốn tôn tạo cần có số tiền lớn. Chúng tôi đã nghiên cứu các chính sách hỗ trợ cũng như những cam kết của chủ nhân nhà vườn khi tham gia đề án này và thấy phù hợp”.
Hiện UBND tỉnh tiếp tục xây dựng quy chế quản lý nhà vườn, trong đó lấy ý kiến rộng rãi của chủ nhà vườn, các cơ quan và địa phương liên quan. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định cho biết, cùng với chính sách hỗ trợ, có nhiều việc cần phải làm. Cụ thể, cần xây dựng quy hoạch để định vị trong khu nhà vườn đó không gian nào khuyến cáo được xây dựng và xây dựng như thế nào, hàng rào phân cách ra sao... để vừa bảo vệ các giá trị văn hóa, vừa đáp ứng nhu cầu cuộc sống người dân. Người dân sẽ có những ràng buộc linh động nhưng không trái luật. Chẳng hạn, trường hợp chủ nhân chuyển nhượng toàn bộ nhà vườn cho người khác thì chủ nhân mới vẫn phải tuân thủ các cam kết mà chủ cũ trước đó đã ký kết.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, để có sự đồng thuận, cần vận động, phân tích cho chủ nhà vườn hiểu phía tỉnh được gì và chủ nhà vườn được gì từ đề án này. Tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn; nâng cao ý thức bảo vệ nhà vườn cho chủ nhân. Công tác khảo sát chi tiết những đối tượng nhà vườn đủ điều kiện sẽ được triển khai. Căn cứ tiêu chí bảo vệ và những cam kết của chủ nhà, hội đồng thẩm định sẽ lựa chọn nhà nào làm trước, nhà nào làm sau cho phù hợp. Thời gian qua, tua du lịch nhà vườn đã hình thành nhưng vẫn chưa bài bản, hấp dẫn. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng các tua này sẽ được quan tâm nhiều hơn. Cần tổ chức theo hướng du khách phải được sống, sinh hoạt trong không gian nhà vườn và được hướng dẫn phong tục cưới hỏi, kỵ giỗ, làm bánh ngày lễ, Tết...