Hai tiếng Trường Sa - biết mấy thiêng liêng và tự hào đối với những người con đất Việt. Là một trong 9 đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa lớn được coi là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”, sừng sững, hiên ngang, vững chãi giữa biển Đông.
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đầu giờ chiều những ngày tháng 5 lịch sử, tàu của chúng tôi cập đảo Trường Sa lớn. Trường Sa lớn là điểm đảo cuối cùng trong 10 điểm đảo chúng tôi đến thăm trong hải trình lần này.
Đặt chân lên đảo, chúng tôi choáng ngợp bởi màu xanh dịu mát của những tán bàng. Bên cạnh bàng vuông, những loài cây mang lại màu xanh trên đảo còn có cây phong ba, bão tãp… Những loài cây được đặt tên như vậy bởi vì dưới thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên, chúng vẫn lớn lên xanh tốt, góp phần chắn sóng, chắn gió bảo vệ Trường Sa. Giữa biển trời mênh mông, lúc bình minh lên, khi hoàng hôn buông xuống, tiếng chuông chùa lại ngân nga như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho quân, dân Trường Sa, để những người lính nơi đây thêm vững vàng tay súng canh giữ chủ quyền Tổ quốc.
“Đảo Trường Sa Lớn cách Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 254 hải lý. Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những người lính chúng tôi ngày đêm đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhưng với lòng yêu nước, sự kiên cường, đồng lòng của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đã tạo nên tầm thế hiên ngang của Trường Sa.” - Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân kiêm Phó Chủ tịch HĐND huyện đảo Trường Sa chia sẻ. Đến thăm Trường Sa lớn, một lần nữa trái tim chúng tôi cùng chung một nhịp với các chiến sĩ khi hướng đôi mắt về phía lá cờ Tổ quốc, cùng hát vang bài Quốc ca.
Đoàn tỉnh Thái Nguyên tặng quà các chiến sĩ đảo Trường Sa lớn.
Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của đồng bào cả nước, Trường Sa lớn đổi thay từng ngày. Điểm đầu tiên các thành viên trong đoàn đặt chân lên đảo là chiếc cầu cảng được xây dựng từ năm 1994 như cánh tay trần vạm vỡ, vững chắc vươn ra đón nhận những con tàu có trọng tải hàng nghìn tấn đến với đảo. Bước qua cầu cảng là con đường thẳng tắp, hai bên rợp bóng cây xanh chạy thẳng tới cột mốc chủ quyền...
Theo Trung tá Lê Đại Thành, Chính trị viên, Phó đảo Trường Sa lớn: Trường Sa là hòn đảo nổi tiếng về nắng, gió, sự khắc nghiệt nhưng đến nay đã hoàn toàn thay đổi. Nếu như xưa, đảo chỉ có cát trắng, san hô và nước mặn, thì nay, từ bàn tay vun đắp của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, trên đảo đã có những tầng cây xanh ngắt; tiếng chuông chùa vang vọng; những âm thanh tíu tít vui đùa của trẻ nhỏ sau giờ tan học..., khiến cho Trường Sa lớn giống như một làng quê yên bình.
Cảm giác thân thuộc, bình yên đó làm cho Trường Sa trở nên gần gụi hơn với đất liền. Thượng tá Hoàng Trọng Sao, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự Định Hóa - thành viên của Đoàn công tác số 11 xúc động chia sẻ: 36 năm tôi công tác ở các đơn vị trên đất liền, đến với Trường Sa, được gặp gỡ những người lính biển kiên cường, đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi càng thấy thiết tha yêu quê hương, Tổ quốc mình. Những ngày đến với quần đảo Trường Sa, được tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt cũng như sự lạc quan, yêu đời cảu các cán bọ, chiến sĩ nơi đây càng khiến tôi vô cùng cảm phục về sự hy sinh cao cả của của các anh để gìn giữ từng tấc đảo, biển đảo quê hương.
Điều vui mừng hơn với chúng tôi là đã gặp được 3 chiến sĩ người Thái Nguyên đang làm nhiệm vụ trên đảo: Thiếu tá Vũ Đình Hòa, quê xã Thanh Ninh; Trung úy Dương Tuấn Hải, quê xã Tân Đức, huyện Phú Bình và Thượng úy Lê Văn Thọ, quê xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương. Gặp được người Thái Nguyên ra thăm đảo, các cán bộ, chiến sĩ đều rưng rưng xúc động. Thiếu tá Vũ Đình Hòa chia sẻ: Ở Trường Sa lớn có 3 anh em người Thái Nguyên nên chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, thân thiết như anh em một nhà. Khi ra Trường Sa công tác, chúng tôi xác định đây là tuyến đầu của Tổ quốc sẽ có nhiều vất vả, khó khăn, song anh em chúng tôi quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biển, đảo quê hương…
Trở về đất liền, tôi mang trong mình bao nỗi nhớ, niềm thương, sự khâm phục những con người kiên cường, dũng cảm đang ngày đêm canh giữ và bảo vệ biển đảo nơi tuyến đầu Tổ quốc.