Hình tượng linh vật chó trong đời sống văn hóa Việt
Trong quan niệm của người Việt, chó là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn. Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh. Trong những trường hợp cụ thể, hình tượng chó thường gắn với một truyền thuyết nào đó trong dân gian.
Phủ thờ quận công Nguyễn Ngọc Trì ở làng Hát Môn, xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) có 4 con chó bằng đá xanh nguyên phiến, đặt trước và sau phủ gọi là thạch cẩu. Thạch cẩu ngồi đây có ý nghĩa để canh gác cho phủ, giống như những con chó bình thường khác canh nhà cho người dân. Theo tiến sĩ, nhà nghiên cứu dân tộc học Tạ Đức: “Có tiếng chó sủa thì ma quỷ không dám bén mảng tới nhà. Nuôi chó cũng chính là để đánh động cho người làng biết mỗi khi có giặc giã, trộm cướp”.
Ở mỗi vùng, hình thức thờ chó đá cũng khác nhau. Người Tày, Nùng ở một số nơi thuộc tỉnh Lạng Sơn có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa trông nhà và trừ tà ma. Với người Dao, hình ảnh con chó được biểu hiện trên trang phục. Người Pa Kô, Ka Tu trong tộc người Cơ Tu còn kiêng giết thịt chó và thờ chó như vật tổ truyền.
Ở huyện Đan Phượng, Hà Nội, có hai nơi thờ chó đá là làng Phù Trung và làng Địch Vỹ. Chó được đặt lên bệ thờ ở góc sân đình, được phối thờ ở đình với tên gọi là Hoàng Thạch, được tôn là “Hạ giới đại vương”. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Minh Nhương - người làng Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội: “Dân làng coi quan Hoàng Thạch như một vị Bao Công để xét xử những chuyện oan ức, những éo le... Một người mất trộm, ra đặt lễ kêu khấn, rồi lại thấy của; có người bị vu oan đã nhờ cậy “ngài” minh giải nỗi oan sai; đôi vợ chồng xung khắc suýt bỏ nhau, đến thề thốt với “ngài”, rồi lại đoàn tụ gia đình...”.
Tiến sĩ Tạ Đức chia sẻ nghiên cứu về đền Voi Phục, trấn phía Tây kinh thành Thăng Long. Theo đó, đền Voi Phục hiện vẫn thờ Linh Lang đại vương, được coi là tên hiệu của hoàng tử Hoằng Chân, con vua Lý Thái Tông. Một thần phả viết Linh Lang là thần rắn nước đã đầu thai thành người để giúp vua Lý đánh giặc, mẹ là một cung phi quê ở làng Địch Vĩ, xã Bồng Lai, huyện Đan Phượng.
Tuy nhiên, tên Linh Lang đã bộc lộ gốc tích thực của thần là Thần Chó (sói). Chính vì thế, làng Địch Vĩ, quê mẹ Linh Lang hiện vẫn có tục thờ Thần Chó - được gọi là Thành Hoàng Linh Giang Đại Vương hay Hoàng Thạch. Linh Giang tương ứng với Linh Lang và Hoàng Thạch cũng tương ứng với Hoàng Lang, một tên gọi khác của Linh Lang. Cũng theo thần phả trên, vua Lý đã cho phép 289 làng, trại trong cả nước xây đền miếu thờ Linh Lang, cho thấy tục thờ Thần Chó rất phổ biến thời Lý. Ở người Việt, tục này sau mai một và đã chuyển thành tục đặt và thờ chó đá ở cổng làng, cổng nhà như một vị thần bảo hộ cho người trong làng hay trong nhà.
Nghê - thiên khuyển ở chốn tâm linh.
Trong các tài liệu, thư tịch cổ đều nhắc tới nghê là thiên khuyển. Trong quan niệm xưa, thiên đồng nghĩa với cõi thiêng (cõi trời). Những linh vật được gắn với chữ thiên như thiên sư, thiên khuyển… đều được gắn với những hình ảnh biểu trưng thể hiện sự linh thiêng, mang ý nghĩa tâm linh nhất định, cũng bởi vậy nên khi được gắn với chữ thiên thì về mặt tạo hình, những linh vật thường được gắn thêm các đường nét thẩm mỹ đặc trưng cho cõi thiên như có thêm cánh, bờm, sừng...
Nghê của người Việt tùy theo từng thời kỳ, không gian công trình mà được gắn thêm các hoa văn, họa tiết, đặc biệt là chi tiết “hỏa mao” tức là những lông mao hai bên được cách điệu như hình ngọn lửa bốc lên. Đây vốn là hình ảnh biểu tượng về cõi thiên, cõi trời. Tuy không có một hình mẫu nhất định, nhưng giữa nghê và chó có những mối tương quan nhất định cả về hình dáng và ý nghĩa biểu tượng của 2 con vật này.
Trong cuốn sách “Nghê - gã linh vật bên rìa”, tác giả Trần Hậu Yên Thế nêu ví dụ: Việc sử dụng từ chuyển ngữ tiếng Anh “Fodog” để gọi con nghê trong các văn bản quốc tế đã có từ xưa. Từ này có gốc tiếng Hàn Quốc, có nghĩa là con chó của nhà phật. Đây là một minh chứng dễ thấy nhất cho sự gần gũi, tương đồng giữa nghê và chó.
Nghê không phải là đối tượng cụ thể được thờ như chó trong những không gian thờ đặc biệt. Nghê là vật thiêng phổ quát, gợi lên được cảnh giới thiêng liêng ở các không gian tâm linh chung của cộng đồng người Việt như đình, đền miếu... Chó trong các không gian thờ thường mang ý nghĩa trấn yểm, trừ tà, còn nghê lại mang ý nghĩa biểu tượng là con vật trí tuệ, mang tính biểu trưng nghi lễ. Nghê còn là linh vật biểu tượng cho sự thông tuệ, tri thức để soi xét, kiểm soát trong không gian tâm linh. Đây là một trong những lý do khiến nghê thường được đặt ở ngoài trời, phía 2 bên của cửa chính hoặc ở trên nóc nhà, đầu đao, vòm mái... và thường ngẩng mặt hướng lên trời.
Theo tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, “những họa tiết mang tính biểu trưng được thêm vào trên con nghê như hỏa mao, các vòng xoáy… là những chi tiết mang biểu trưng năng lượng, sức mạnh để kiểm soát chứ không mang tính trấn trừ tà khí. Chính bởi vậy mà con nghê từ xưa đã được coi là “thiên khuyển” mang tính biểu tượng nhiều hơn, còn chó chỉ là vật linh để trấn trạch, trừ tà”.
Nghê, biểu tượng tâm linh gần gũi
Trên tấm minh văn ở chùa Thầy có dòng chữ “Hỷ khánh đăng nghê”. Theo tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, đây là kiểu thức từ thời Lý, giai đoạn này đã có loại nghê mang biểu tượng rất tưng bừng, vui vẻ, là biểu tượng về niềm vui sướng, hạnh phúc, hoan hỉ. Nghê là biểu tượng của sự hoan hỉ nên cũng thường thấy ở trên các văn bia mang tính chúc mừng như ở 3 tấm bia văn miếu thế kỷ 17, hoặc ở kinh thành Huế...
Cũng theo TS. Trần Hậu Yên Thế, trong kho tàng mỹ thuật cổ truyền của người Việt, nghê là linh vật có khuôn mặt biểu cảm nhất với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau, là linh vật mang “chất người” nhất. Không giống những linh vật khác thường mang một hình thái biểu cảm là sự dữ tợn, hăm dọa, nghê có nét mặt biểu cảm riêng, tùy từng không gian tâm linh. Như nghê tại sinh phần La Quận Công thì mang nét mặt rầu rĩ, khóc thương người quá cố. Nghê chầu ở không gian đình, đền… thì mang dáng vẻ hoan hỉ, vui tươi. Trong các không gian lăng tẩm, nghê chầu lại mang dáng vẻ trang nghiêm, hiền lành, kính cẩn...
Thật hiếm có linh vật nào có thần thái đa dạng, sinh động như nghê, nhưng tựu trung, linh vật nghê dù ở đâu cũng mang một dáng vẻ hiền lành, gần gũi. Cũng bởi vậy mà nghê luôn gần gũi với con người, có chung những biểu cảm với con người, có biểu cảm rất giống với biểu cảm trong đời sống văn hóa của người Việt./.