Được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1993, đền Trần Quốc Nghiễn, ở thị trấn Hòn Gai, T.P Hạ Long (Quảng Ninh) không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương mà nơi đây còn là địa điểm nổi tiếng, thu hút hàng chục vạn du khách tham quan mỗi năm.
Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp đến T.P Hạ Long để tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp của địa danh từ lâu đã được UNESCO công nhận là một trong những danh thắng, kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Sau khi dạo một vòng quanh thành phố, đến những khu chợ, cảng cá - nơi buôn bán sản vật biển của ngư dân địa phương, chúng tôi được người dân nơi đây giới thiệu đến tham quan Di tích lịch sử đền Trần Quốc Nghiễn (đền Đức Ông), họ bảo: Đến với Hạ Long mà không đến chiêm bái đền Đức Ông thì coi như chưa đến Hạ Long.
Đứng trước khu vực cổng vào đền, trước mắt chúng tôi hiện lên là một ngôi đền tôn nghiêm, lưng dựa vào dãy núi Bài Thơ sừng sững và mặt hướng ra phía vịnh, tạo thành một vị trí đẹp hiếm có. Lịch sử ghi rằng, Trần Quốc Nghiễn là con trai cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cháu đích tôn của An Sinh Vương Trần Liễu và là cháu ruột của vua Trần Thái Tông. Ông là một vị tướng tài giỏi, văn võ song toàn. Hơn thế, ông còn là người con tận hiếu, bề tôi tận trung. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, Trần Quốc Nghiễn cùng với cha của mình là Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh nhà Trần lập nhiều chiến công hiển hách. Đặc biệt, trong cuộc chiến trên sông Bạch Đằng lần thứ 3 vào năm 1288, Trần Quốc Nghiễn đã có công lớn trong việc dẹp giặc ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Từ đó, nhân dân trong vùng tưởng nhớ công lao và lập một ngôi đền bên núi Bài Thơ để thờ vị anh hùng giúp dân, giúp nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Theo sử sách, đền Trần Quốc Nghiễn được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII. Trải qua thăng trầm của lịch sử và thời gian, ngôi đền đã xuống cấp và nhiều lần được dựng lại bởi các chủ thuyền thường xuyên đánh cá trên vịnh. Theo đó, các chủ thuyền đã chở gỗ từ trong rừng, ở các huyện: Tiên Yên, Ba Chẽ, Hoành Bồ… chuyển vào hang trước cửa đền để giấu gỗ, và đục đẽo gỗ dựng đền. Nhân dân địa phương sau này vào hang thấy nhiều đầu gỗ thừa, gọi đây là hang Đầu Gỗ. Hiện nay, hang Đầu Gỗ cũng là một trong những điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến thăm đền. Bà Nguyễn Thị Hoa, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho biết: Đây là lần thứ 2 tôi đến tham quan Hạ Long và lần nào tôi cũng đến đền Đức Ông để thắp hương, ngắm cảnh đền. Mỗi lần đến đây, tôi cảm thấy mình như được hòa mình vào thiên nhiên giữa núi và biển. Không gian yên tĩnh, khoáng đạt khiến cho tâm hồn con người như càng trở nên thư thái.
Đền có cấu trúc kiểu chữ đinh, gồm 3 gian bái đường và 1 gian hậu cung. Trong đó, gian chính giữa thờ đức ông Trần Quốc Nghiễn; hai gian bên thờ Yết Kiêu và Giã Tượng. Đây là 2 vị tướng tài, có công giúp triều Trần đánh đuổi giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, trong khuôn viên của đền có một chiếc giếng cổ. Mặc dù nằm sát biển nhưng nước giếng ở đây rất trong và ngọt. Do đó, đền không chỉ là nơi dừng chân của ngư dân mà còn là nơi lấy nước ngọt, phục vụ cho những chuyến đi biển dài ngày của họ. Ngoài ra, hiện nay đền vẫn còn lưu giữ được 2 tấm bia đá và 5 bức tượng cổ (có từ thế kỷ XIII) do một số chủ thuyền tạc dựng.
Ông Nguyễn Hữu Pho, Trưởng Ban Quản lý đền cho biết: Đền Trần Quốc Nghiễn rất linh thiêng. Người dân địa phương, chủ tàu thuyền đánh cá mỗi khi có công việc gì quan trọng cần thực hiện đều đến đền thắp hương để mong Đức Ông phù hộ mọi việc được bình an, may mắn. Hơn thế, đền còn là nơi giáo dục những giá trị lịch sử cho các thế hệ học sinh ở Quảng Ninh nói chung, T.P Hạ Long nói riêng để các cháu hiểu hơn về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông. Lần trùng tu, tôn tạo đền gần đây nhất là vào năm 2017 với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp, công đức của nhân dân trong và ngoài địa bàn. Hằng năm, đền Trần Quốc Nghiễn đón trên 10 vạn khách du lịch từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây tham quan, bái lễ.