Hồ Núi Cốc và huyền thoại một tình yêu

15:41, 10/07/2019

Trời nước một vùng, vời vợi mênh mang bên chân Tam Đảo - Hồ Núi Cốc mang câu chuyền của tình yêu lứa đôi. Chàng Cốc, nàng Công vì tình yêu không thành mà nhớ thương hoá sông, hoá núi. Để tao nhân mặc khách trong, ngoài nước về thủ phủ gió ngàn Thái Nguyên, đều tìm về với Khu du lịch hồ trên núi, ngắm bình minh thức dậy gọi sóng nước xôn xao. Và thực hiện một hành trình du thuyền ghé thăm các đảo xanh nổi lênh trên mặt hồ.

Hồ Núi Cốc nằm trên địa bàn xã Tân Thái, huyện Đại Từ, có diện tích hơn 2.500ha, với 89 hòn đảo được bao phủ bởi thảm thực vật đa tầng tán. Bởi cung Tam Đảo kéo dài trên 20km từ tỉnh Tuyên Quang đến tỉnh Vĩnh Phúc như vòng tay chàng lực điền ôm lấy nàng hồ, tạo một cảm mến vô hình nảy sinh từ tiềm thức mỗi người. Một lần đến đây, ông Young Lee, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đông Nam Á thảng thốt: Đây là một hồ nước nhân tạo đẹp bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Hoàng hôn trên hồ Núi Cốc. 

Sẽ thật sự choáng ngợp bởi tượng Thích Ca Mâu Ni cao 45m. Điều bất ngờ là trong bụng đức Phật chứa đựng cả ngôi chùa Thác Vàng. Có tiếng mõ đều rơi mỗi ngày vọng về miền xa xăm của ký ức, gợi lòng người hoài cổ nhớ về miền đẻ đất, đẻ nước, những đại hồng thủy, nham thạch trào phun… kiến tạo nên sự kỳ thú thiên nhiên ban tặng cho con người. Không gian tĩnh tại của nhà chùa làm lòng người vơi đi toan toan tính chuyện áo cơm đời thường, để tiếp tục với hành trình trải nghiệm ở nơi mang câu chuyện huyền thoại chàng Cốc, nàng Công. Ghé thăm chín tầng địa ngục ở động âm phủ, thử “bản lĩnh” của mình với tiếng gào thét kinh dị ở một thế giới xa lạ. Để đến cuối đường hầm của thế giới âm phủ, bước ra ngoài với tiếng cười sảng khoái, vì sau giây khắc “kinh hồn” lại được trở về với dương gian, tiếp tục thưởng thức mãn nhãn với các loài cá bơi lội ở Thủy Cung. Rồi ngỡ ngàng khi lạc vào Huyền Thoại Cung, lênh đênh trên dòng nước, trôi về quá khứ bởi sự tái hiện khéo léo về câu chuyện của chàng Công, nàng Cốc.

Quanh cảnh Khu du lịch hồ Núi Cốc nhìn từ trên cao.

Đang ở tâm trạng đăm đắm một niềm nuối thương vì tình yêu không thành của chàng trai con nhà nghèo với con gái phú ông, lại chợt một cảm giác chói lòa vì vừa bước ra một mê cung huyền thoại, ngỡ ngàng thấy ngay trước mặt động 3 cây thông. Cây thông cao lớn mang khuôn mặt nam thanh, nữ tú, minh chứng về một tình yêu thủy chung, mãi trường tồn cùng thời gian. Trong động là một chợ tình, nơi được bày bán những món quà lưu niệm mang bản sắc văn hoá miền núi phía Bắc, nhiều nhất là hàng thổ cẩm, măng tươi, cơm lam, rau rừng.

Trên mặt hồ luôn gợn từng lớp sóng nhỏ, mơn man như bàn tay tiên nữ vỗ về nâng con thuyền nhẹ lướt khi đi thăm các đảo. Trong câu hát huyền thoại hồ Núi Cốc không chỉ là tình yêu dang dở, mà vợi vợi một nỗi nhớ quê cha, đất tổ của những người dân bản địa đã hy sinh lợi ích cá nhân di dời đến nơi ở mới cho lòng hồ được rộng, đẹp như ngày nay. 

Mải nghĩ miên man, thuyền đã chạm bờ đảo từ lúc nào chẳng hay. Lại những bất ngờ vì mỗi hòn đảo mang một cái tên khác biệt, kích thích tò mò bao người. Hỏi, sao có đảo mang tên mỹ miều là Mỹ Nhân, Nam Phương, lại có đảo mang tên của loài vật, như đảo Khỉ, đảo Cò, đảo Rắn, đảo Dê… Rồi lại bảo: Chẳng sao cả, cốt là có một hành trình thăm quan, nghỉ ngơi hòa mình cùng cảnh thiên nhiên tươi đẹp, được hà hít không khí trong lành. Có thể tham gia các hoạt động đốt lửa trại trên đảo; thưởng thức nhạc nước, rồi đến đảo Núi Cái, đặt chân mình lên 108 bậc đá để lên thăm ngôi nhà cổ 200 tuổi bằng gỗ lim; chiêm ngưỡng hơn 1.000 hiện vật đại diện cho 90 làng nghề truyền thống trên cả nước.

Mỗi hòn đảo mang một dáng vẻ riêng, tạo sức hấp dẫn kỳ lạ, thôi thúc mỗi người dấn sâu hơn vào cuộc trải nghiệm, mong muốn khám phá, tìm kiếm. Kiến trúc sư Noirihiko Dan đến từ Nhật Bản cho rằng: Vùng du lịch trọng điểm Quốc gia hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), nếu được đầu tư xứng tầm sẽ thu hút đông đảo lượng khách trong nước và quốc tế… Từ nhiều năm nay, Khu du lịch dồ Núi Cốc là một điểm đến lý tưởng, trung bình hằng năm đón trên 300.000 lượt du khách. Tổng doanh thu đạt gần 100 tỷ đồng/năm.

Và từ Khu du lịch hồ Núi Cốc, du khách có thể đến thăm các di tích lịch sử như: Núi Văn, Núi Võ (Đại Từ); Khu di tích đặc biệt ATK Định Hoá hoặc sang Khu di tích đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang). Để trên đường về Hà Nội, có thể ghé thăm vùng chè đặc sản Tân Cương (T.P Thái Nguyên), thưởng thức hương vị trà Thái nồng đượm, cảm mến về một tình yêu chung thủy của người dân nơi quê hương gió ngàn.