Trải qua thăng trầm lịch sử hơn 200 năm, nghề kim hoàn xứ Huế có độ những tưởng bị mất đi, may nhờ ơn tổ nghiệp và sự chăm chỉ gầy dựng của lớp lớp cháu con nên nghề xưa không những giữ được mà còn phát triển rạng ngời và vững bền hơn so với trước.
Sử cũ kể rằng, nghề kim hoàn xứ Huế ra đời vào cuối thế kỷ XVIII, do nghệ nhân Cao Đình Độ và con là Cao Đình Hương người làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá di cư vào làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế sinh sống rồi truyền nghề lập nghiệp tạo dựng nên.
Ngày nay, đến thăm lăng nghệ nhân Cao Đình Độ, người ta vẫn còn thấy đôi câu đối bằng chữ Hán tán thán công đức của ông: “Kim hoàn triệu thỉ tam kỳ tổ,Ngọc bảo khai tiên thiên cổ sư”.
Hiện nay, nghề kim hoàn Huế phát triển khá mạnh. Đặc biệt, Nghệ nhân Ưu tú Trần Duy Mong, ông chủ nổi tiếng của chuỗi hệ thống 6 cơ sở chế tác, kinh doanh vàng bạc, đá quý của doanh nghiệp kim hoàn Thuận Thành – Duy Mong ở Huế được xem là bàn tay vàng, là người giữ lửa cho nghề kim hoàn xứ Huế.
Nghệ nhân Trần Duy Mong là hậu duệ của dòng họ Trần Duy làng Kế Môn, theo nghề kim hoàn từ năm lên 15 tuổi, đến nay đã gần 50 năm theo nghiệp tổ. Tuy đã là tay lão luyện trong nghề nhưng ông vẫn không ngừng học tập, rèn giũa nâng cao tay nghề, nhờ đó mà ông liên tục giành nhiều giải thưởng lớn tại các kì thi uy tín, điển hình như tác phẩm: “Quạt cung đình Huế” (Giải Ba Hội thi sản phẩm lưu niệm và quà tặng năm 2008), “Tranh hộp 3D Lầu Ngũ Phụng – Đại Nội Huế” (Giải Nhất cuộc thi sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng Huế 2017), và nhiều giải thưởng tại các kì Festival nghề truyền thống Huế…
Nghệ nhân Trần Duy Mong cho biết, trong bối cảnh ngành công nghệ chế tác trang sức phát triển mạnh như hiện nay, nghề kim hoàn truyền thống phải chịu một sức ép không hề nhỏ, nhưng ông tin rằng với vẻ đẹp và sự độc đáo riêng có, kim hoàn truyền thống vẫn sẽ có chỗ đứng riêng nếu ta biết phát huy thế mạnh của nó.
Với nỗi lòng đau đáu với nghề, nghệ nhân Trần Duy Mong đã phát triển thành công chuỗi cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý của mình, góp phần tạo cơ hội công ăn việc làm cho người dân, đào tạo nghề cho lớp thợ kế cận. Đặc biệt, ông đã dày công xây dựng cơ sở Tịnh Tâm kim cổ thành điểm đến tham quan, du lịch, mua bán kim hoàn lớn và độc đáo nhất ở miền Trung.
Đến với Tịnh Tâm kim cổ du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng nghìn mẫu hàng trang sức bằng vàng, bạc, đá quý, và nhiều mẫu hàng lưu niệm được chế tác tinh xảo bằng vàng, bạc, đồng…
Đáng chú ý, ở đây còn có một bảo tàng thu nhỏ về nghề kim hoàn xứ Huế. Gia chủ bài trí khá nhiều hiện vật quý và có giá trị như các bản sao sắc phong của vua nhà Nguyễn dành cho nghề kim hoàn Huế; các dụng cụ cổ dùng chế tác kim hoàn như búa, kìm, kẹp, dùi, giũa, khuôn, đèn khò, bể thổi… Không gian chế tác, nơi làm việc của thợ cũng được sắp đặt, bài trí mang hơi hướng cổ, khiến cho khách tham quan như cảm nhận được môi trường, không khí làm việc của thợ kim hoàn xưa./.