Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 340 hộ gia đình có đủ điều kiện được kinh doanh loại hình lưu trú tại gia (homestay), đủ năng lực phục vụ từ 5-30 khách/hộ, tập trung chủ yếu tại huyện Sa Pa.
Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lào Cai đang dần biến các bản làng vốn heo hút trước đây trở thành nơi đáng sống với khí hậu trong lành, ôn hòa, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, người dân thân thiện, hạ tầng ngày càng phát triển và hoàn thiện.
Chương trình nông thôn mới tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch cộng đồng. Ngược lại, việc phát triển du lịch cộng đồng đã đóng góp thiết thực vào các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ nhanh, bền vững.
Lào Cai là một trong những địa phương đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số với sự hỗ trợ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới và Tổ chức bánh mỳ thế giới.
Sau 2 năm đi vào vận hành, mô hình du lịch cộng đồng do Tổ chức bánh mỳ thế giới hỗ trợ triển khai đã được chứng minh có hiệu quả trong việc nâng cao sinh kế và tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa.
Trên cơ sở bài học thành công của 2 mô hình du lịch cộng đồng đó, năm 2011, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với một số tổ chức trong và ngoài nước như Tổ chức phát triển Hà Lan SNV Việt Nam, Trường Đại học vùng Vancouver Canada, Viện Đại học mở Hà Nội, Dự án Chương trình Phát triển năng lực có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU-ESRT) do Liên minh châu Âu tài trợ, Tổ chức phi chính phủ REACH... để nhân rộng loại hình du lịch cộng đồng cho các xã Tả Van, Tả Phìn, Thanh Kim (huyện Sa Pa) và các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát. Nhờ đó, Lào Cai được Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá là địa phương đứng đầu trong cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 340 hộ gia đình có đủ điều kiện được kinh doanh loại hình lưu trú tại gia (homestay), đủ năng lực phục vụ từ 5-30 khách/hộ. Các hộ tập trung chủ yếu tại huyện Sa Pa (300 hộ homestay) và huyện Bắc Hà.
Tại Sa Pa có 12 bản làng dân tộc phát triển du lịch cộng đồng (bản Tả Van, bản Lao Chải, bản Hổ, bản Tả Phìn, bản Nậm Sài, bản Nậm Cang, bản Thanh Phú, bản San Sả Hồ, bản Sứ Pản, bản Hầu Thảo, bản Cát Cát, bản Sa Pả) và Bắc Hà có 6 bản (bản Na Lo, bản Tà Chải, bản Na Hối Tày, bản Thái Giàng Phố, Bản Nhai).
Năm 2010, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đón 148.740 lượt khách, năm 2018 các điểm du lịch cộng đồng đón trên 400.000 lượt khách. Để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai cũng đã công nhận 16 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện Sa Pa, Mường Khương, Si Ma Cai Bắc Hà và Bát Xát.
Theo ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, việc mở rộng hoạt động du lịch đến các làng bản đã tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các địa phương.
Theo kết quả điều tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thu nhập bình quân từ du lịch cộng đồng tại Lào Cai đạt từ 25-35 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp từ 7-12 lần so với các hộ không tham gia du lịch cộng đồng.
Cá biệt, có hộ thu nhập đạt đến 100 triệu đồng/năm, góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo cho các nhóm dân tộc thiểu số, tạo thêm nguồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới ngay tại địa phương.
Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch cộng đồng cũng đem lại cơ hội phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống và các phong tục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc, thúc đẩy hoàn thành tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Các sản phẩm ẩm thực và thủ công truyền thống như thổ cẩm, nhạc cụ truyền thống, trang sức bằng bạc, thắng cố, xôi bảy màu, lạp sườn, tương ớt, gạo Séng Cù, gà thuốc... cùng các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống đã thu hút được sự tham gia của du khách và các đơn vị lữ hành, góp phần quảng bá trực tiếp cho các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Ở chiều ngược lại, chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng, điện đường... tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch cộng đồng.
Từ khi các tuyến đường giao thông tại trung tâm bản Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai được nâng cấp và làm mới, lượng du khách đến với cơ sở homestay của gia đình anh Lù Văn Quang tăng gấp 5-6 lần.
Anh Quang cho biết từ năm 2014, các tuyến đường liên thôn, liên xã được nâng cấp và mở mới khiến xe chở khách có thể đi lại thuận tiện, nên nhiều người đã lựa chọn Na Lo là nơi dừng chân nghỉ dưỡng khám phá bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương.
Trong 10 năm qua, Lào Cai có 142/143 xã có đường rải nhựa hoặc đổ bê tông đến trung tâm xã, tăng 74 xã so với năm 2010. Cơ bản các thôn bản trong tỉnh đã có đường tới trung tâm, khoảng 98% số thôn bản có đường đi lại thuận lợi, số còn lại là các tuyến đường nhỏ (rộng từ 2,5-3m) phục vụ chủ yếu cho xe thô sơ và xe máy đi lại.
Cũng trong 10 năm qua, thực hiện tiêu chí Điện trong xây dựng nông thôn mới, Lào Cai đã đầu tư trên 300 trạm biến áp, nâng cấp làm mới trên 500km đường dây trung thế, trên 1.200km đường dây hạ thế... đảm bảo cung cấp điện lưới quốc gia đến 100% trung tâm xã trên địa bàn toàn tỉnh.
Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới tăng từ 70% trong năm 2010 lên 95% ở thời điểm hiện tại. Đến nay toàn tỉnh có 109/143 xã đạt chuẩn tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới (tăng 85 xã so với năm 2010).
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai Nguyễn Đình Dũng cho rằng hiện nay việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lào Cai vẫn chưa thật sự có chiều sâu, chưa chuyên nghiệp, chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh, phần lớn sản phẩm du lịch cộng đồng mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, nguồn thu từ dịch vụ du lịch chưa đáng kể.
Sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và từ các tổ chức trong và ngoài nước đối với các mô hình du lịch cộng đồng chủ yếu tập trung vào việc đào tạo, tập huấn trong khi ngươi dân cần có cả nguồn lực về kinh tế để đầu tư phát triển loại hình du lịch này, nhằm làm phong phú dịch vụ và hoạt động phục vụ nhu cầu khám phá và trải nghiệm của du khách...
Để giải quyết vấn để thực tiễn này, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án "Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020." Theo đó đến năm 2020, điểm du lịch cộng đồng tại xã Tả Van về cơ bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nông thôn mới, trở thành các điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước, đồng thời là mô hình mẫu để lan tỏa triển khai diện rộng trên địa bàn tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cũng đang tham mưu xây dựng Nghị quyết phát triển sản phẩm du lịch tỉnh, trong đó xác định du lịch cộng đồng là 1 trong 6 sản phẩm du lịch chính của địa phương này.
Với định hướng và giải pháp đúng đắn, phù hợp, chắc chắn trong thời gian tới, việc phát triển du lịch cộng đông gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ có những bước phát triển mới, các thôn bản phát triển du lịch cộng đồng sẽ sớm về đích nông thôn mới và tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.