Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 8 tháng 4 âm lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Bố Y ở huyện vùng cao biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai lại náo nức tổ chức một ngày Tết truyền thống rất riêng và độc đáo của dân tộc mình – đó là Tết tháng Tư - tiếng dân tộc Bố Y còn gọi là Tết “Sử giề pà”…
Tết “Sử giề pà” hay Tết tháng Tư còn mang ý nghĩa là lễ tạ ơn trâu của dân tộc Bố Y. Bởi theo lý giải về sự tích Tết “Sử giề pà” của người Bố Y về văn hóa truyền thống của dân tộc mình thì trong dân gian có lưu truyền sự tích về Tết “Sử giề pà”, đó là truyền thuyết về Trâu thần xuống trần gian giúp dân làng tìm được nguồn nước trong cơn hạn hán và sự tích con trâu xuống giúp người Bố Y làm ruộng. Đây là một trong những tín ngưỡng nông nghiệp của người Bố Y, nhằm tạ ơn Trâu thần đã đến giúp người Bố Y rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, người Bố Y làm lễ tạ ơn trâu là vì vậy. Dịp này, những con trâu được gia chủ chăm sóc ân cần, được nghỉ ngơi và ăn xôi, trứng.
Bà Lồ Lài Sửu, nghệ nhân ưu tú người Bố Y ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết: Trong lễ cúng của làng tại đầu nguồn nước, sự tích con trâu đã được các nghệ nhân dân gian Bố Y tái hiện lại bằng một trò diễn, bằng những lời đối đáp và hành động cụ thể họ đã diễn lại sự tích con trâu xuống trần gian, con trâu giúp người cày ruộng, việc xỏ mũi trâu,... Tái hiện lại quá trình sản xuất lao động chuyển từ việc cuốc, chọc lỗ tra hạt sang phương thức sử dụng sức kéo của con trâu. Đây là mốc đánh dấu bước tiến quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của người Bố Y ngày xưa.
Trong ngày Tết tháng Tư người Bố Y tổ chức cúng lễ ở miếu chung của cả bản
Tết “Sử giề pà” vừa là nghi lễ được tổ chức trong gia đình, vừa là nghi lễ chung của làng, cộng đồng nhiều thôn, bản người Bố Y. Đây là khoảng thời gian cả cộng đồng được nghỉ ngơi, anh em, bạn bè đi thăm hỏi, gặp mặt trong những bữa cơm gia đình đầm ấm. Cũng là lúc cả cộng đồng được tham gia vào các trò chơi dân gian, nghi lễ truyền thống, được đắm mình trong dòng chảy văn hóa của dân tộc. Không những thế, trong Tết “Sử giề pà” các gia đình người Bố Y còn mời thêm bạn bè, người quen trong bản là các dân tộc khác như: người Mông, người Nùng, người Pa Dí… đến chơi nhà và dùng bữa với gia chủ để chúc mừng.
Tết “Sử giề pà” được người Bố Y duy trì, gìn giữ, bảo tồn và tổ chức hằng năm thực sự đã trở thành ngày đại đoàn kết dân tộc, cũng là ngày hội của các làng người Bố Y. Tết “Sử giề pà” như một chất keo gắn kết các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng với nhau, tạo nên sức mạnh của tình đoàn kết, tương thân, tương ái.
Cùng nhau hát múa trong Tết “Sử giề pà”
Vì thế, tết “Sử giề pà” là tín ngưỡng quan trọng trong đời sống của đồng bào Bố Y. Tết “Sử giề pà” không chỉ mang ý nghĩa cầu cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, nguồn nước chảy mãi mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, niềm tin vào đấng siêu nhiên (như Trâu thần, thần nước…), cổ vũ người Bố Y trong lao động sản xuất, xây dựng bản làng bình yên, cuộc sống ấm no hạnh phúc.