Người Ba Na là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời, có dân số đông thứ hai trong số các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ (sau người Xê Đăng) ở tỉnh, địa bàn cư trú tập trung ở quanh thành phố Kon Tum và một phần ở các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Sa Thầy... Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Ba Na ở Kon Tum có những phong tục tập quán, văn hóa phong phú và giàu bản sắc, trong đó nhà sàn là một di sản văn hóa độc đáo.
Thoạt nhìn bề ngoài, nhà sàn của người Ba Na cũng giống như nhà sàn của những DTTS tại chỗ khác, nhưng tìm hiểu kỹ thì mới biết nhà sàn của người Ba Na lại có những nét độc đáo riêng.
Để tìm hiểu kỹ hơn về nhà sàn của người Ba Na, chúng tôi tìm gặp anh A Nhưk - một thợ chuyên làm nhà sàn ở làng Kon Xăm Lũ (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy).
Anh A Nhưk cho biết: Nhà sàn của người Ba Na có hình chữ nhật, chiều ngang dài khoảng 10m. Mỗi căn nhà đều có 12 cây cột chia mỗi bên 6 cây, sàn nhà thường được làm bằng tre, nứa, lồ ô; vách được trát bằng đất với rơm hay bằng phên tre nứa. Nhà nào “giàu” hơn thì vách và sàn được lót bằng gỗ dầu, vừa mát, vừa giữ được mặt phẳng và chắc.
Anh A Nhưk đưa chúng tôi đến ngôi nhà sàn lâu năm nhất ở giữa làng để giới thiệu về nét độc đáo của nó. Đây là ngôi nhà của cha anh để lại cho cô em gái anh trước khi qua đời. Ngôi nhà nằm ẩn khuất giữa vườn cây um tùm, tạo một không gian yên bình và mát mẻ.
A Nhưk đưa tay chỉ vào các cây cột nhà nói: Thông thường người ta thường chọn cây gỗ cà chít để làm trụ cột, bởi loại cây này có vị đắng và cứng, chắc, ít bị mối ăn, cột được chôn sâu dưới đất khoảng 1m. Tuy nhiên, gỗ cà chít ngày càng hiếm và qua kinh nghiệm nhiều năm, ngày nay người dân thường không chôn cột mà tán đế bằng xi măng hoặc bằng đá rồi dựng cột. Làm theo kiểu này thì cột không bị lún và không bị mối ăn, dù cột được làm bằng loại gỗ khác.
Quan sát ngôi nhà sàn theo sự giới thiệu của A Nhưk, chúng tôi nhận thấy phần mộc bên trong ngôi nhà có những nét sau: Các cột nhà được đẽo tròn hoặc vuông có đường kính phần gốc khoảng 30cm và xuôi về ngọn đường kính còn khoảng 20cm. Trên ngọn cột có đục một lỗ hình vuông để kết nối cột và trính thượng.
Gian nhà chồ làm nơi hóng mát. Ảnh: D.Đ.N
Vào giữa gian nhà sàn, điều gây chú ý nhất là khoảng không gian thoáng đãng, mát mẻ bởi sàn nhà và vách được đóng bằng những tấm gỗ dầu phẳng lì. Phía trên hai chái nhà là cây trính thượng và trính hạ được đẽo thành khối hình chữ nhật, cách nhau khoảng 2m, hai cây đà được gác lên hai hàng trên đầu cây cột. Ở chính giữa trính thượng có một trụ lỏng để chống đỡ đòn dông, các rui gác lên đòn dông để lợp mái.
Qua tìm hiểu, một ngôi nhà sàn của người Ba Na bao giờ cũng có hai mái chính và hai mái phụ ở hai đầu gọi là chái. Thông thường nhà sàn có 6 gian (tùy theo số người ở mà tăng, giảm số gian, nếu đông người ở thì gọi là nhà dài), trong đó gian đầu cùng hoặc gian cuối có vách ngăn phòng dành cho cha mẹ. Mái lợp thông thường bằng cỏ tranh hoặc ngói. Cách đánh tranh để lợp mái cũng không mấy dễ dàng, chỉ có những người thợ điêu luyện mới làm được.
Tranh lợp mái cần phải biết chọn loại tranh tốt, to và dài nhưng phải là loại tranh già mới giữ được độ chắc, bền. Việc cắt tranh đem về cũng cần tuân thủ theo nguyên tắc của nó. Khi cắt tranh, cần sự khéo léo để cắt cho bằng gốc và chải sạch các loại cỏ rác, sau đó bó lại thành từng bó nhỏ, nhiều bó nhỏ bó lại thành bó to để tranh không bị rối, rồi mới đưa về.
Khi đánh tranh làm mái lợp, phải đánh từng tấm dài khoảng 1m, dùng thanh hai cây le chẻ đôi kẹp lại rồi dùng lạt mềm, dẻo buộc chặt. Thông thường, người Ba Na thường dùng dây mây hoặc các loại dây rừng khác có độ dẻo để làm dây buộc mái, rui, mè…
Nhà sàn người Ba Na có cửa chính ngay ở gian giữa và ngay phía trước cửa chính được cất thêm một gian nữa ló ra ngoài gọi là nhà chồ. Vì vậy, nhìn ngôi nhà sàn của người Ba Na giống như một chữ T.
Sàn nhà chồ được làm bằng ván gỗ dày và to. Đây là nơi dành cho phụ nữ giã gạo vào những buổi sáng sớm hoặc chiều tối khi đi làm nương rẫy về. Nhà chồ cũng là nơi gia đình ra ngồi chơi hóng mát trong những đêm hè nóng nực. Sở dĩ nhà chồ được thoáng đãng là bởi không có vách như nhà chính, mặt trước thường hướng về phía nam nên mát mẻ. Để bước lên nhà chính, người ta bắc một chiếc cầu thang sát vách nhà chính, sau đó phải lên nhà chồ trước rồi mới tới cửa nhà chính.
Gian nhà giữa làm nơi tiếp khách. Ảnh: D.Đ.N
Bước vào cửa là gian nhà giữa. Gian nhà này thường dùng để tiếp khách. Đối với khách quý, chủ nhà thường trải chiếu mời và mang bầu nước đầy, mát lạnh mời khách uống hay ché rượu cần mỗi khi có những buổi giao lưu, tiếp đãi long trọng.
Hiện tại, nhà sàn của người Ba Na ở xã Đăk Tờ Re còn lại rất ít. Nhiều ngôi nhà sàn xuống cấp, hư hỏng nhưng người Ba Na không thể tu sửa, cất mới lại vì gỗ làm nhà sàn ngày càng trở nên hiếm hoi.
Trước đây, nhiều ngôi nhà sàn của người Ba Na xưa được làm bằng gỗ quý như trắc, hương… Nhưng theo thời gian khi các loại gỗ quý trở nên hiếm hoi, những thế hệ con cháu sau này đã bán cho tư thương săn lùng gỗ quý. Số tiền trên họ dùng xây cất một căn nhà bằng gạch, xi măng tân thời, hiện đại.
Chia tay với những người Ba Na ở trong ngôi nhà sàn mà tôi vừa đặt chân tới, trong lòng bỗng trỗi lên một cảm giác xốn xang: Liệu rằng trong tương lai xa, nhà sàn của người Tây Nguyên nói chung, người Ba Na nói riêng có còn tồn tại giữa dòng chảy đô thị hóa?