Múa trống là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Giáy ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác, nghệ thuật múa trống của người Giáy đang đứng trước nguy cơ bị mai một trong xu thế hội nhập và phát triển.
Chúng tôi tìm tới bản Tát Ngà, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, Hà Giang khi Tết Nguyên đán vừa mới đi qua. Sau chén rượu ngô thơm nồng, cay xè nơi đầu lưỡi, già làng Châu Văn Pênh, say sưa kể cho chúng tôi nghe về những nét đẹp độc đáo trong phong tục, tập quán của đồng bào Giáy ở Hà Giang, trong đó có lễ hội Múa trống .
Lễ hội Múa trống chỉ được tổ chức vào những ngày đầu năm mới. Vào đêm 30 Tết mỗi năm, cả bản người Giáy sẽ tập trung tại nhà cộng đồng, cùng mổ lợn và mang những vò rượu ngô nguyên chất tới miếu thờ thành hoàng làng để dâng lên thánh thần, cầu mong cho một năm mới an khang thịnh vượng, sung túc và an vui. Sau nghi thức cúng lễ, tất cả bà con trở lại ngôi nhà cộng đồng liên hoan, cùng mời nhau những chén rượu ngô thơm nồng, gửi tới nhau những lời chúc tụng tốt đẹp nhất nhân dịp năm mới.
Sau đó, tất cả lại cùng nhau ra miếu thiêng, xin phép thánh thần cho được mang chiếc trống thiêng, biểu tượng của dân làng để khai xuân. Đồng bào người Giáy quan niệm, chiếc trống luôn là một linh vật thiêng liêng, bảo hộ cho cuộc sống của bản làng. Vì vậy, nếu không được sự cho phép của thánh thần, thì dân làng sẽ không bao giờ được mang trống ra đánh.
Khi múa trống, đội múa sẽ chọn 1 cặp nam nữ đại diện cho người dân trong làng dùng chiếc dùi đánh vào trống thiêng. Trong đêm múa trống, sẽ có 7 cặp trai gái đại diện cho dân làng hát múa những làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền. Tiếng trống vang lên mang đến những lời chúc tốt đẹp nhất cho mọi người.
Già làng Châu Văn Pênh cho biết thêm: “Trong thời khắc thiêng liêng đó, tất cả mọi người đều hò reo, khoác vai nhau, Tiếng trống lúc này mang ý nghĩa biểu tượng cho tình đoàn kết dân tộc”.
Già làng Châu Văn Pênh giới thiệu chiếc trống thiêng và lễ hội múa trống của đồng bào người Giáy
Người Giáy quan niệm rằng, dù ông trời ở trên cao, nhưng qua tiếng trống cũng có thể nghe được lời thỉnh cầu và sẽ ban mưa xuống cho mùa màng tốt tươi. Cuối cùng, kết thúc lễ hội là phần người dân mong chờ nhất. Đội múa trống sẽ múa rước trống thiêng tới từng hộ gia đình. Khi trống rước đến nhà nào, thì nhà đó sẽ có được nhiều may mắn tốt lành. Để đáp lại đoàn người rước trống, gia chủ sẽ tặng những sản phẩm gia đình làm ra như bánh chưng, gà, vịt… Và trong ngày hôm đó, đoàn múa trống phải đi đủ các nhà, bởi đến hôm sau trống sẽ được thu về cất ở ngôi miếu thiêng, chỉ đến năm kế tiếp mới lại mang ra mở hội.
Múa trống đặc sắc là vậy, nhưng hiện nay, trong cộng đồng người Giáy không có nhiều người học để truyền dạy. Dẫn chúng tôi đến ngôi miếu treo chiếc trống cổ, ông Châu Văn Pênh không nén được tiếng thở dài chia sẻ, chiếc trống này đã có từ nhiều đời nay do các cụ để lại, nhưng hiện nay, số người biết đánh trống ngày càng ít; và hầu như đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Bản thân ông Pênh cũng đã nhiều lần đi tìm lớp kế cận mà khó quá.
Ông Vi Văn Pảo, Trưởng thôn Tát Ngà cũng thông tin, những năm trước còn có một vài bạn trẻ tham gia vào đội múa trống của làng, nhưng bây giờ các bạn đã đi làm ăn xa quê hương, chỉ dịp tết mới trở về bản làng.
"Những người thành thạo múa trống tuổi đã cao, vì vậy đồng bào Giáy chúng tôi mong muốn, chính quyền địa phương cần sớm có những giải pháp phù hợp để có thể khuyến khích được nhiều người, nhất là lớp trẻ theo học, như vậy mới bảo tồn được những cái đẹp, sự độc đáo và ý nghĩa từ múa trống của đồng bào Giáy", Trưởng thôn Vi Văn Pảo đề xuất.