Sức hấp dẫn của Cao Bằng hôm nay không chỉ bởi gạo trắng, nước trong như trong câu ca xưa, mà còn bởi nơi đây có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, nhiều thắng cảnh hiếm có. Đặc biệt, hai năm trở lại đây, phố đi bộ Cao Bằng cũng là điểm hút du khách đến nơi này.
Phố đi bộ Kim Đồng, TP. Cao Bằng. Ảnh TL |
Hiện, thành phố Cao Bằng có 2 phố đi bộ đều ở phường Hợp Giang: Phố đi bộ Kim Đồng (khánh thành năm 2019) dài khoảng 600m, kết nối các không gian biểu diễn nghệ thuật, chợ ẩm thực, thông với Phố đi bộ ven sông Bằng dài 800m (khánh thành năm 2022).
Khoảng 19 giờ vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần, tiếng loa của Ban Quản lý phố đi bộ vang lên: Chuẩn bị đến giờ phố đi bộ hoạt động, yêu cầu các phương tiện cơ giới không vào khu vực quy định …
Đúng 20 giờ, tiếng nhạc nổi lên. Dọc tuyến đường ven sông Bằng, các nhóm khiêu vũ sôi nổi. Chúng tôi được các vũ công chìa tay mời nhảy, họ rất tự tin và cởi mở trò chuyện với khách du lịch. Đây là các nhóm nhảy của thành phố, họ được bố trí chỗ hoạt động và được thành phố hỗ trợ 3 triệu đồng/nhóm để mua loa đài.
Tuyến phố ven sông Bằng này ngoài mặt đường rộng 8m, hệ thống bồn hoa, đèn chiếu sáng, còn có 3 bến xuống thuyền. Nhóm bạn trẻ lại chọn vị trí này để đàn, hát, quyên góp tiền ủng hộ các em nhỏ khó khăn.
Trong lúc này, trên phố Kim Đồng đèn sáng rực, người đi bộ đã kéo đến đông. Các trò chơi dân gian được người lớn, trẻ em tham gia hào hứng: Nhảy sạp, nhảy dây, đá cầu, đi cà kheo, chơi cờ tướng, ô ăn quan, đánh chắt… Các dụng cụ phục vụ trò chơi đều do thành phố chuẩn bị, một số thanh niên hướng dẫn du khách cách chơi.
Tôi dừng lại hồi lâu ở khu vực thư viện lưu động. Hàng chục em nhỏ ngồi đọc sách quanh chiếc ô tô chứa đầy sách. Ở đầu phố, trên khoảnh sân rộng vài trăm mét vuông, nơi có chiếc cọn nước và dòng chữ Non nước Cao Bằng, chương trình văn nghệ do Đoàn Thanh niên thành phố tổ chức khá sôi nổi. Cách đó không xa, chợ ẩm thực la liệt món ăn. Nhiều nhất là các loại bánh, hạt dẻ nướng, phở chua, cháo vịt…
Trò chuyện với người dân ở đây, tôi được biết mọi hoạt động trên 2 tuyến phố đi bộ đều được Ban Tổ chức sắp xếp, lên chương trình. Các huyện cũng được kết nối về khu vực phố đi bộ để biểu diễn văn nghệ và quảng bá sản phẩm địa phương.
Gần 23 giờ, tiếng lại loa vang lên: Ban Tổ chức phố đi bộ đề nghị bà con thu dọn hàng quán, ngừng mọi hoạt động… Chỉ mươi phút sau, không gian đã yên tĩnh.
Điều dễ thấy là từ khi có phố đi bộ, cuộc sống tinh thần của người dân Cao Bằng phong phú hơn. Dường như họ mạnh dạn, cởi mở, tự tin, khỏe mạnh hơn. Phố đi bộ còn biến bờ con sông Bằng vốn ngập cỏ rác, là nơi đối tượng nghiện tiêm chích ma túy thành nơi sinh hoạt văn hóa lành mạnh.
Một điều chắc chắn nữa là không ít người giàu lên từ phố đi bộ. Đơn cử như khách sạn nơi chúng tôi thuê ở, hai ngày cuối tuần không còn một phòng trống.
Nhìn người già, trẻ em thành phố Cao Bằng say sưa nhảy múa, ca hát, tôi thấy họ là những công dân hạnh phúc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin