Cộng đồng dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên gồm hai nhóm địa phương Cao Lan và Sán Chí, đời sống vật chất, tinh thần của họ khá phong phú đa dạng, đặc biệt là người Sán Chí.
Đối với người Sán Chí thịt lợn được dùng nhiều nhất trong đời sống hàng ngày cũng như trong dip ma, cháy cưới hỏi. Khi gia đình người Sán Chí thịt lợn là để nguyên sỏ lợn (chối tau) luộc đặt trên bàn thờ tổ tiên. Mỗi khi thịt lợn, để có thứ ăn dần người Sán Chí thường dự trữ thịt và mỡ trong nhà. Để tích mỡ, khi thịt lợn người ta lọc mỡ riêng, bóp muối cho vào chum, vại dùng dần.
Muốn dự trữ thịt người Sán Chí lọc bỏ hết xương, cắt thịt thành từng miếng khoảng 1kg, không rửa nước, ướp muối, vài ngày sau đó rửa nước sôi (cho co lớp vỏ bên ngoài của miếng thịt) cạo sạch để khô và treo ở trong buồng trên bếp hoặc gói lá rong rồi mới treo trên bếp. Để như vậy có thể giữ được thịt trong vòng vài tháng. Khi ăn mang thịt ra rửa sạch, thái thành miếng nhỏ hấp cơm.
Trong bữa cơm hàng ngày hoặc khi nhà có khách người Sán Chí thường sử dụng thịt lợn luộc (lồ mấu tộm); thịt lợn nướng (lồ mấu chếch, lòng lợn (xáy mâu) xào dưa, tiết canh lợn (Lựt mâu) và măng chua nấu xương lợn.
Ngày lễ tết gia đình người Sán Chí có điều kiện kinh tế thường làm món thịt quay. Để làm thịt quay người ta chọn lợn nhỏ dưới 20kg mổ thịt, moi ruột để riêng rồi dùng xiên tre tươi xiên mình lợn, quay trên củi gỗ. Vừa quay vừa bôi nước mắm vào da lợn, dùng que sắt chọc thủng da cho nước mắm ngấm vào thịt lợn.
Trong đám cưới đa số các món ăn được chế biến từ thịt lợn. Ngoài thịt luộc người Sán Chí làm các loại: giò chân, giò thủ, giò nầm, giò lụa…. Một mâm cỗ cưới của người Sán Chí thường gồm: 1 đĩa thịt lợn luộc, 1 đĩa thịt lợn quay, 1 đĩa giò lợn, 1 đĩa lòng lợn, 1 bát tiết canh lợn, 1 bát xương lợn bung với xu hào và 1 bát xương lợn nấu với cây chuối rừng non thái nhỏ.