Đồng bào Mông cư trú trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Lào Cai vào những ngày Tết không thể thiếu thứ bánh láo khoải (còn có cách gọi khác là lức khoải hay rớ khoải).
Bánh láo khoải của đồng bào Mông
Chẳng cần sơn hào hải vị, món bánh ngày Tết của đồng bào Mông vô cùng đơn giản, thân thương với cái tên láo khoải. Được làm từ ngô, bánh láo khoải hay còn gọi là bánh rớ khoải, lức khoải có màu vàng óng đẹp mắt với hình bầu dục, bên ngoài được phết một lớp mỡ trộn với mật ong thơm lừng.
Ngô được bóc bỏ lớp vỏ ngoài, để lại một lớp vỏ mỏng rồi đưa lên gác bếp bảo quản hay treo lên chái nhà. Tách hạt xay thành bột nhỏ, sàng bỏ mày và vỏ rồi đem ngâm nước khoảng 5-6 giờ, lấy bột ra để cho ráo nước rồi đồ lên cho chín.
Ngô được xay bằng cối đá, đồ ngô hai lần trên chảo gỗ, khi đồ lần một phải chú ý thời gian để bột ngô tơi và không dính vào nhau, sau khi làm tơi và để nguội mới cho vào đồ lần hai để bột ngô chín kỹ.
Người ta dùng bột ngô đồ chín lên rồi cho vào cối đá giã cho bột ngô quyện dẻo sau đó cho ra bàn đá nặn thành những chiếc bánh khoải hình bầu dục, có bề mặt từ 15-20 cm, sau đó quyện mỡ cùng mật ong trên bề mặt bánh. Bánh láo khoải có thể để được dài ngày, khi ăn, người Mông có thể cắt nhỏ bánh và nướng trên than củi cho bánh phồng thơm.
Ngoài cách ăn thông thường, bánh còn được nướng trên bếp than, thái chỉ nấu với nước đường hay nấu với đậu Hà Lan và nêm nếm như nấu canh cũng rất lạ và ngon.
Bánh láo khoải thường được người Mông vùng Tây Bắc chế biến vào dịp lễ, Tết hay làm để bán vào chợ phiên, rất được nhiều người ưa thích.