Những thành quả đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và chiến dịch phủ sóng vaccine đã tạo động lực để các quốc gia châu Á tiếp tục nới lỏng kiểm soát biên giới, thúc đẩy ngành du lịch sớm “cất cánh” trở lại. Bước chuyển tích cực này mở ra triển vọng đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch tại các nước.
Hòa chung xu hướng của các quốc gia trên thế giới, nhiều nước châu Á đang thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch mở cửa biên giới. Trang Kyodo dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này dự kiến chào đón du khách nước ngoài trở lại sớm nhất từ tháng 6 tới, trong bối cảnh “xứ sở hoa anh đào” đang từng bước dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới sau đại dịch.
Thủ tướng Kishida Fumio mới đây nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ đánh giá lại các biện pháp phòng dịch sau khi tham vấn giới chuyên gia y tế. Trong khi đó, Chính phủ Lào tuyên bố, từ hôm nay (9/5) mở lại tất cả cửa khẩu quốc tế, cho phép những người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 nhập cảnh mà không yêu cầu bất kỳ xét nghiệm nào. Từ đầu tháng này, du khách từ Malaysia và Thái Lan cũng có thể sử dụng thẻ thông hành để đi lại qua biên giới giữa hai nước.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, du lịch là động lực phát triển quan trọng của nhiều nền kinh tế châu Á. “Ngành công nghiệp không khói”, một trong những trụ cột của nền kinh tế Thái Lan, từng mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho “đất nước nụ cười”. Trong khi đó, năm 2019, Nhật Bản đã đón gần 32 triệu lượt du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, “cơn bão” Covid-19 quét qua đã khiến ngành du lịch thế giới nói chung và châu Á nói riêng điêu đứng. Đóng cửa biên giới là biện pháp nhiều nước trên thế giới buộc phải lựa chọn để phòng, chống đại dịch. Đây là nguyên nhân chính khiến số du khách quốc tế đến Nhật Bản trong năm 2021 giảm xuống chỉ còn 245.900 lượt, mức thấp nhất kể từ năm 1964.
Số lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan năm 2021 cũng giảm tới hơn 98% so năm 2019. Lượng khách quốc tế nhập cảnh vào Hàn Quốc từng đạt hơn 17 triệu lượt trong năm 2019 giảm chỉ còn chưa đến một triệu lượt vào năm 2021, con số thấp kỷ lục kể từ khi Hàn Quốc tiến hành thống kê trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh đó, quyết định mở cửa với du khách nước ngoài đã mở ra cơ hội giúp ngành du lịch châu Á thức giấc sau thời gian dài “ngủ đông”. Đây là tin vui đối với những người dân, doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực này.
Chia sẻ với Kyodo, Yoko Kikuchi, chủ một cửa hàng trên phố mua sắm nổi tiếng Nakamise ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, bày tỏ hy vọng khi các du khách nước ngoài quay trở lại, đường phố sẽ trở về nhịp sống nhộn nhịp vốn có. Trong khi đó, nhờ nới lỏng các quy định về nhập cảnh và cách ly do Covid-19, ngành du lịch Thái Lan đã nhận được nhiều kết quả tích cực và đang hướng tới mục tiêu phục hồi vào năm 2023.
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết, nước này có triển vọng thu hút 20 triệu lượt khách du lịch vào năm 2023, sau khi nới lỏng hơn nữa các quy định về du lịch từ tháng 5. Theo TAT, Thái Lan sẽ cố gắng đạt mục tiêu gần nhất là đón 7 đến 10 triệu lượt du khách tới thăm trong năm nay.
Các nhà phân tích cho rằng, sẵn sàng mở cửa đón du khách nước ngoài và thổi làn gió mới cho nền kinh tế là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh châu Á đã đạt được những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Số ca mắc mới, tử vong và nhập viện giảm mạnh, trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine ngày càng tăng là những cơ sở quan trọng để các nước đưa ra quyết định nới lỏng kiểm soát biên giới.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, nguy cơ từ đại dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu. Các biến thể mới có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và lây lan nhanh chóng. WHO khuyến cáo các nước thận trọng trong quá trình dỡ bỏ những hạn chế phòng dịch, trở lại cuộc sống bình thường.
Theo Economist Intelligence Unit (EIU), đơn vị nghiên cứu và phân tích của tập đoàn Economist, ngành du lịch châu Á-Thái Bình Dương có thể chưa quay trở lại mức trước đại dịch ít nhất là đến năm 2024. Bên cạnh rủi ro do đại dịch Covid-19 gây ra, EIU cho rằng, quá trình phục hồi du lịch trong khu vực cũng gặp những “cơn gió ngược” khác là giá năng lượng và lạm phát tăng vọt.
Nới lỏng kiểm soát biên giới là tiền đề quan trọng để ngành du lịch châu Á dần hồi sinh mạnh mẽ trở lại. Giới phân tích kỳ vọng, bước đi này sẽ tạo động lực thúc đẩy đà phục hồi của các nền kinh tế trong khu vực.