Cồn Hô làm du lịch tự thân

Minh Hằng 18:46, 02/10/2022

Đâu cứ phải “bưng” tiện nghi đến chân hoặc thêu dệt lên câu chuyện kỳ bí mới hút được du khách. Những gì tôi thấy ở Cồn Hô, một cù lao cô đơn không đường, không điện, cùng cách làm du lịch đặc biệt của tỉnh Trà Vinh khiến tôi suy nghĩ.

Du khách thăm Cồn Hô. Ảnh: dulichtravinh.com.vn
Du khách thăm Cồn Hô. Ảnh: dulichtravinh.com.vn

Từ trung tâm thành phố Trà Vinh xanh mướt bóng cây, chúng tôi di chuyển bằng ô tô chừng 40 phút thì đến bến sông Cổ Chiên. Con tàu gỗ sạch sẽ cùng nụ cười đậm nắng gió của người lái đưa chúng tôi đến Cồn Hô.

Như lời hướng dẫn viên Dương Đức Minh, gần 3 năm trước thôi, Cồn Hô (ấp Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) cô đơn lắm. Biệt lập với đất liền, cái ăn, cái mặc của bà con trông vào cây trái trong vườn hoặc hải sản đánh bắt từ sông. Bọn trẻ đi học, người ốm đi viện chỉ có phương tiện chuyên chở duy nhất là chiếc xuồng ba lá.

Trên diện tích 27ha, 12 hộ gia đình sinh sống âm thầm, họ thèm được tiếp xúc với thế giới cách họ một khoảng nước mênh mông. Nhưng bù lại, cuộc sống của họ yên bình bên vườn bưởi da xanh trĩu trịt, rặng dừa lúc lỉu quả ngọt lịm, căn nhà vách lá dừa sạch sẽ, con đường đất mịn in triệu dấu chân, không tiếng động cơ xe cộ, không túi ni lông, không thuốc bảo vệ thực vật… 

Tàu vừa cập bến, chúng tôi đã thấy người dân Cồn Hô ra đón. Các chị, các anh áo quần nền nã, khăn rằn quấn cổ. Họ nắm tay chúng tôi như đón người thân từ xa trở về.

Điểm chúng tôi vào đầu tiên là nhà bác Hai Nguyên. Bác Nguyên là Trưởng Ban Quản lý du lịch cộng đồng Cồn Hô. Trên mặt bàn gỗ, bác bày đãi khách những chén trà hoa đậu tím biếc, đĩa bưởi căng mọng đều là sản vật vườn nhà. Bác Nguyên tâm sự: Bà con làm du lịch từ năm 2020, dịch bệnh nên đầu năm 2022 mới thực sự đón khách, thu nhập chưa nhiều nhưng vui lắm. Riêng tháng 8 vừa qua, Cồn Hô đón hơn 300 khách Việt, 79 khách người nước ngoài (trong đó nhiều nhất là người Tây Ban Nha).

Chúng tôi đã có khoảng thời gian trở về tuổi thơ với đốt rơm nướng trứng gà, nhún nhẩy trên cây cầu thân dừa; chèo thuyền, đánh đu, hít hà mùi hương nhu, ngò gai, lá bưởi; nếm các loại bánh mứt, chè dừa; ăn ốc luộc, cá nướng… Người dân làm du lịch mà như thết đãi người thân. Họ ngóng bước chân chúng tôi từ xa để canh mẻ bánh cho nóng hổi, nồi cháo gà sôi sình sịch trên hỏa lò. Trời sập tối, họ khơi ngọn đèn dầu đứng trước cổng vừa ngóng, vừa sợ chúng tôi vấp ngã.

Khi chia tay chúng tôi trở lại đất liền, hàng chục đốm đèn lập lòe trên Cồn như đôi mắt họ dõi theo, trông đợi. Những cái tên: Hai Trải, Vũ Minh, Tư Khen, Tư Lập, Ba Khải, Ba Phi… bỗng chốc trở nên quen thuộc, chúng tôi nhắc râm ran trên đường về.

Cách làm du lịch của bà con Cồn Hô được gọi là du lịch tự thân. Khái niệm này được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vình kết hợp với Viện Nghiên cứu, Phát triển kinh tế và du lịch thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, ứng dụng tại đây. Trên cơ sở mọi thứ sẵn có, các chuyên gia của Viện hướng dẫn bà con gia cố vườn tược, nhà cửa cho đẹp lên, sạch lên, mộc mạc nhưng không tùy tiện, chân chất nhưng kỹ lưỡng, tinh tế. Không điện thì hút khách bằng đèn dầu, không đường bê tông thì hút khách bằng đường đất; vườn nhà có gì đãi khách món đó… Mang cái bình dị, thiếu thốn trở thành sản phẩm bán cho du khách. Tour du lịch đặc biệt này chỉ khoảng 400 đến 500 nghìn/người.

Từ chỗ lặng thầm nhút nhát, có người không biết chữ, người dân ở Cồn Hô giờ đã tự tin giao tiếp; môi trường trên đảo nhỏ sạch hơn. Trẻ em Cồn Hô bắt đầu học tiếng Anh để nói chuyện với người nước ngoài. Du lịch tự thân đã mang đến nơi này cuộc sống mới mà vẫn giữ được một Cồn Hô nguyên sơ, chân chất.