Đừng quên đánh giá chất lượng

Theo HNMO 16:05, 11/05/2024

“Bùng nổ”, “sôi động” là những từ được dùng để diễn tả hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua.

 

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong kỳ nghỉ lễ này, ngành Du lịch ước tính đã phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú. Công suất phòng trung bình tại cơ sở lưu trú đạt khoảng 60%.

Một số địa bàn du lịch trọng điểm như Thanh Hóa phục vụ hơn 1,5 triệu lượt khách, tăng hơn 27%, tổng thu từ khách du lịch khoảng 3.805 tỷ đồng; Quảng Ninh phục vụ hơn 1 triệu khách du lịch, tăng 48%, tổng thu khoảng 2.210 tỷ đồng…

Tại Hà Nội, Sở Du lịch cho hay, trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, thành phố ước tính đã đón 738.000 lượt khách du lịch, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế là khoảng 88.000 lượt, tăng 48%.

Tuy nhiên, đi cùng sự “bùng nổ” là thực trạng chen chúc, đông đúc từ bãi biển đến nhà hàng, khu vui chơi, giải trí; là ùn tắc, mất thời gian khi di chuyển của du khách. Thực tế đã có không ít phàn nàn của du khách khi đợi cả tiếng trong nhà hàng mà không được phục vụ, hay đặt khách sạn từ rất sớm nhưng phải đợi vài tiếng mới nhận được phòng.

Lượng khách du lịch thường tăng cao vào các kỳ nghỉ lễ theo thói quen tiêu dùng của người dân, kéo theo chất lượng dịch vụ khó được bảo đảm. Số lượng du khách tăng một mặt là dấu hiệu tích cực, nhưng mặt khác lại ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ như quá tải điểm tham quan, phải chịu cảnh chờ đợi, kẹt xe…

Các chuyên gia cho rằng, kỳ nghỉ ngắn đông đúc chỉ có tác động cục bộ ở một số khu vực chứ không phản ánh đúng bản chất của hoạt động và tình hình thị trường du lịch. Vì thế, bên cạnh “vui mừng” với sự “bùng nổ” khách du lịch dịp nghỉ lễ cũng cần phải nhớ đến yêu cầu duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ, bởi đó mới là điều kiện bền vững để thu hút, giữ khách du lịch lưu trú dài ngày và sẵn sàng trở lại trong tương lai.

Chất lượng dịch vụ có được là nhờ hệ thống hạ tầng lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… phát triển, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của du khách. Chất lượng dịch vụ được nâng lên khi có thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn cho du khách khám phá. Về lâu dài cần tiếp tục quy hoạch phát triển du lịch, phân bổ khách du lịch, xây dựng chiến lược tiếp thị, xúc tiến du lịch… giữa các mùa trong năm để tránh tình trạng dồn vào dịp nghỉ lễ. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý và chính quyền các địa phương. Với quy hoạch, kế hoạch, chiến lược được xây dựng đồng bộ, doanh nghiệp du lịch sẽ có định hướng phát triển phù hợp, vừa đầu tư nâng chất lượng dịch vụ, vừa thiết kế sản phẩm hoặc liên kết xây dựng sản phẩm du lịch mang tính liên vùng, khu vực, đủ sức giữ chân du khách.

Một vấn đề nữa cần tính đến là câu chuyện thống kê. Con số thống kê có tính chất quan trọng trong hoạch định chính sách chứ không chỉ là kết quả, nên rất cần phản ánh đúng bản chất. Số lượng khách “bùng nổ” dịp nghỉ lễ chưa hẳn đã tốt và ngược lại, nếu có giảm cũng chưa hẳn là chưa tốt. Vì thế nên chăng, số khách du lịch được tính là khách có lưu trú (tức có chi tiêu), chứ khách đến thăm vườn thú hay điểm vui chơi, giải trí có lẽ phần lớn là người địa phương, đơn thuần đi chơi trong ngày nghỉ mà thôi.

Quan trọng hơn, bên cạnh thống kê lượng khách cần chú trọng đến ghi nhận doanh thu bình quân tính trên mỗi khách, bởi chỉ số này phản ánh chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch của địa phương có hấp dẫn, buộc khách phải "móc hầu bao" hay không.

Nói cách khác là cần nghĩ đến du lịch bền vững nhờ bảo đảm cung - cầu, chất lượng chứ không chỉ là số lượng.