Lợi ích thiết thực từ bảo hiểm y tế thân nhân

08:15, 16/08/2021

Những năm qua, việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), hạ sĩ quan, chiến sĩ (gọi chung là thân nhân quân nhân) đã thể hiện chính sách ưu việt và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Với địa bàn Quân khu 2, các đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có nền nếp, hiệu quả việc cấp, đổi thẻ BHYT để bộ đội yên tâm công tác, thân nhân phấn khởi mỗi khi đi khám, chữa bệnh (KCB).

“Phao cứu sinh” với nhiều gia đình quân nhân

Qua tìm hiểu ở một số đơn vị thuộc Quân khu 2, thời gian qua có nhiều thân nhân quân nhân bị ốm đau phải đi viện KCB. Trong số đó, không ít trường hợp bệnh nặng, nan y, điều trị dài ngày, tốn kém,... song vì có BHYT thân nhân quân nhân nên những trường hợp này được giảm phần lớn chi phí nằm viện với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Tại Sư đoàn 316, Binh nhất Hoàng Văn Hùng, Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 148, quê ở huyện Bắc Quang (Hà Giang) xúc động kể: “Mẹ tôi bị tai nạn giao thông gãy tay, chân, xương quai xanh phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Với các vết thương phức tạp, đau đớn, mẹ tôi phải điều trị dài ngày (từ ngày 16-3 đến 5/4/2021), nhưng vì nhiệm vụ, tôi không thể về chăm sóc mẹ trong khi điều kiện gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Đến lúc mẹ tôi ra viện, số tiền thanh toán lên đến hàng chục triệu đồng, nhờ có BHYT thân nhân quân nhân chi trả 80% viện phí nên số tiền gia đình chỉ còn phải nộp một phần nhỏ”. Một trường hợp khác là Binh nhì Phạm Công Huy, Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 98, quê ở huyện Văn Chấn (Yên Bái). Mẹ của Phạm Công Huy phải phẫu thuật, cắt bỏ một phần ruột tại Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn vào ngày 4/5/2021. Đến ngày 17-5 ra viện được bảo hiểm chi trả 80% chi phí khám, điều trị, số tiền gia đình còn phải đóng là 3,1 triệu đồng.

Tương tự như hai trường hợp trên, ở Lữ đoàn Phòng không 297, Trung úy QNCN Nguyễn Ngọc Dương, nhân viên quân khí Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, quê ở phường Bạch Hạc, TP Việt Trì (Phú Thọ) dù đóng quân gần nhà nhưng trong tháng 5 vừa qua, khi mẹ đẻ nằm viện điều trị u tuyến giáp cũng không thể về nhà chăm sóc. Anh vừa lo lắng sức khỏe cho mẹ, vừa lo viện phí cao, điều trị dài ngày, trong khi đồng lương bộ đội hằng tháng không đủ trang trải. Nhận thấy điều đó, chỉ huy tiểu đoàn, lữ đoàn thường xuyên gặp gỡ, động viên, chia sẻ với Dương và cũng vì có BHYT thân nhân mà số tiền viện phí hết 20 triệu đồng song gia đình chỉ còn phải nộp 4 triệu đồng...

Điều dễ nhận thấy, với mức thu nhập từ đồng lương hiện nay, đặc biệt là với sĩ quan trẻ và các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, thì việc được BHYT thân nhân chi trả phần lớn số tiền KCB thực sự như chiếc “phao cứu sinh” với nhiều gia đình quân nhân.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 kê khai làm thủ tục đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh: PHẠM HẢI.

Giảm tải gánh nặng với hậu phương

Một thực tế hiện nay đó là, hầu hết quân nhân ở các đơn vị thuộc quân khu đều xuất thân từ nông thôn, nhiều người có bố, mẹ già yếu, con nhỏ, vì các lý do khác nhau mà chưa có thẻ BHYT cho đến khi chính sách về BHYT thân nhân quân nhân được triển khai. Trong khi không ít quân nhân có bố, mẹ, vợ, con ốm đau phải điều trị đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình vốn không dư dả gì mà còn tác động không nhỏ tới tâm tư, tình cảm, chất lượng thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị. Vì vậy, được cấp thẻ BHYT thân nhân, nhất là với hạ sĩ quan, chiến sĩ là rất thiết thực, giúp quân nhân thêm yên tâm công tác khi người thân đi KCB được ưu tiên về thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí trong khám, điều trị.

Bên cạnh đó, với những quân nhân có con trong đội tuổi còn đi học thì việc được cấp BHYT cho thân nhân đã giảm được một phần chi phí của các gia đình quân nhân vào mỗi đầu năm học mới, trong điều kiện thu nhập còn khó khăn. Theo Thiếu úy Nguyễn Minh Quang, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thông tin 604, quê ở huyện Nho Quan (Ninh Bình), cả bố, mẹ anh đều được cấp thẻ BHYT thân nhân. Mặc dù bố, mẹ anh chỉ dùng đi khám bệnh định kỳ dẫu vậy vẫn rất vui trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với hậu phương của người lính.

Giúp quân nhân thêm yêu mến đơn vị

Trước đặc thù yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, trực SSCĐ, không thể về chăm sóc người thân mỗi khi đau ốm, nằm viện thì BHYT thân nhân phần nào giúp các cán bộ, chiến sĩ làm tròn trách nhiệm của mình với người thân. Không những thế, nhìn nhận ở một góc độ khác, BHYT thân nhân không chỉ giúp giảm thiểu chi phí trong KCB mà với rất nhiều gia đình đó còn là niềm vinh dự, tự hào có được khi con đi bộ đội, điều mà trước kia họ chưa nghĩ tới.

Theo Đại tá Đỗ Duy Chinh, Phó chính ủy Sư đoàn 316, hiện nay, BHYT thân nhân gồm bố, mẹ, vợ, con được đơn vị triển khai đến 100% quân nhân. Trình tự cấp thẻ được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm chính xác, kịp thời, không xảy ra sai sót, cụ thể: Quân nhân thực hiện kê khai về thân nhân được hưởng chế độ BHYT, có xác nhận của cơ quan chức năng, sau đó cấp trung đoàn và tương đương trở lên lập danh sách, ký đóng dấu gửi lên sư đoàn, quân khu đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cấp thẻ. Các trường hợp cấp bổ sung thì thực hiện kê khai hằng tháng để tránh sót lọt.

Có thể khẳng định, việc cấp thẻ BHYT thân nhân góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi cho quân nhân, động viên bộ đội yên tâm công tác; đồng thời, thực hiện tốt công tác chính sách nói chung và chính sách hậu phương quân đội nói riêng.