Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3-1975) đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về nghệ thuật quân sự, nổi bật là nghệ thuật lựa chọn cách đánh linh hoạt, sáng tạo.
Đó là: Tiến hành nghi binh tạo thế, giam chân chủ lực, cơ động trên hướng khác, tập trung lực lượng tạo ưu thế giáng đòn bất ngờ vào mục tiêu chủ yếu, mở đầu chiến dịch giòn giã, thực hiện bao vây cô lập từng cụm quân địch, kết hợp đột phá với luồn sâu, thọc sâu, trong ngoài cùng đánh; đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ, tạo điều kiện thực hiện các trận then chốt thúc đẩy chiến dịch.
Lấy đột phá của các cụm đột kích làm chính, phá vỡ từng cụm phòng ngự địch, đi đôi với đánh bại địch cơ động phản kích, lần lượt tiêu diệt từng trung đoàn, sư đoàn địch, tiến tới tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của cả 3 thứ quân trên địa bàn chiến dịch. Cụ thể:
Một là, thu hút và giam giữ phần lớn chủ lực địch ở lại Bắc Tây Nguyên bằng cách tiến công nghi binh vào Pleiku và Kon Tum, cắt đứt Đường số 14, chia cắt Nam Tây Nguyên với Bắc Tây Nguyên.
Hai là, chia cắt hai trục đường (số 19, số 21), ngăn chặn, tiêu diệt lực lượng dự bị địch từ đồng bằng lên Tây Nguyên và quân địch từ Tây Nguyên rút chạy về đồng bằng.
Ba là, đánh chiếm Đức Lập, Thuần Mẫn, cô lập triệt để thị xã Buôn Ma Thuột, tạo điều kiện trực tiếp cho trận đánh vào thị xã. Bộ đội địa phương và du kích đánh quận lỵ, khu tập trung dân và đường giao thông, tạo điều kiện cho chủ lực tác chiến. Bốn là, tập trung lực lượng chủ yếu, giáng đòn quyết định tiêu diệt địch, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Năm là, sẵn sàng đánh bại phản kích của địch, giữ vững thị xã Buôn Ma Thuột. Để thực hiện cách đánh hiệu quả, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã phân tích chính xác tình hình địch, điều kiện của ta và yếu tố địa hình.
Về địch: Trong toàn bộ hệ thống phòng ngự ở chiến trường Tây Nguyên lúc bấy giờ, Nam Tây Nguyên, đặc biệt là Buôn Ma Thuột là một vị trí hiểm yếu nhưng lại tương đối yếu. Hiểm yếu vì đó là hậu phương chiến dịch, là thủ phủ và cũng là trung tâm chính trị, kinh tế của địch ở Tây Nguyên, nằm sâu trong vùng địch kiểm soát, nối Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Sài Gòn, là cửa ngõ xuống Khánh Hòa và tiến ra Pleiku, Kon Tum. Mặt khác, so với Pleiku và Kon Tum, lực lượng của địch ở Buôn Ma Thuột mỏng, yếu và bố trí có nhiều sơ hở, cô lập hơn. Đồng thời, địch cho rằng, ta không đánh Buôn Ma Thuột vì chưa đủ điều kiện để đánh lớn.
Về địa hình: Tây Nguyên nhiều rừng núi xen kẽ những thung lũng đất bằng. Phần phía bắc tỉnh Kon Tum có nhiều núi cao, rừng rậm. Nam Tây Nguyên địa hình tương đối bằng, các dãy núi thấp dần tới cao nguyên Lâm Viên và Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột có nhiều đường lâm nghiệp, ven thị xã có nhiều khu rừng kín đáo trải dài trên một dải địa hình tương đối bằng, có độ cao từ 420 đến 480m. Xung quanh thị xã có các điểm cao 596, Chư Bua, Chư Duê, Chư Blim, điểm cao 491... các ấp dân và những thảm rừng thưa, rừng khộp không liên hoàn, xen kẽ các trảng tranh và sình lầy; sông suối rất ít và nhỏ.
Thời tiết vào mùa khô tiện cho cơ động, hiệp đồng quân binh chủng, triển khai lực lượng tiếp cận, đột phá địch trên nhiều hướng, đánh thẳng vào mục tiêu, khu vực phòng ngự then chốt, tạo thế áp đảo, phá vỡ thế trận địch, tiêu diệt các cụm quân chủ yếu trong thị xã, nhanh chóng giành được thắng lợi triệt để (ngoại trừ sông Sêrêpốk cách thị xã khoảng 10km về phía tây có lòng sông rộng từ 200 đến 300m, hai bên bờ là vách đá, nước chảy xiết, gây khó khăn cho việc trinh sát, tập kết vật chất, binh khí kỹ thuật và cơ động triển khai lực lượng).
Về ta: Tây Nguyên là chiến trường quen thuộc, phù hợp với khả năng tác chiến. Chiếm được Tây Nguyên, đặc biệt là Buôn Ma Thuột, ta có điều kiện cơ động tiến công mở ra các hướng, phát triển thuận lợi vào chiều sâu phòng ngự của địch.
Theo Đường số 14 ra hướng bắc, ta có thể uy hiếp thị xã Pleiku; vào hướng nam, ta có thể đánh chiếm Gia Nghĩa và tiến vào Đông Nam Bộ; theo tỉnh lộ 7B, ta có thể tiến công thị xã Cheo Reo và từ đó phát triển về Tuy Hòa; theo Đường 21, ta có thể tiến xuống Nha Trang và Cam Ranh, cắt đôi miền Nam-điều mà Mỹ lo sợ nhất lúc bấy giờ.
Thực tiễn diễn biến chiến dịch đã chứng minh: Từ ngày 4 đến 9-3-1975, ta bắt đầu tác chiến tạo thế, đánh cắt giao thông trên Đường số 19 và 21, chia cắt Tây Nguyên với đồng bằng ven biển; cắt Đường số 14 chia cắt Bắc Tây Nguyên với Nam Tây Nguyên, đánh chiếm các quận lỵ Thuần Mẫn, Đức Lập. Sáng sớm 10-3 đến 11-3, ta tiến công và giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Từ ngày 12 đến 18-3, ta đập tan cuộc phản kích bằng đổ bộ đường không của sư đoàn 23 ngụy.
Bị giáng đòn choáng váng, địch vội vã rút khỏi Pleiku và Kon Tum, tạo ra một thời cơ lớn, một sự đột biến về chiến dịch, chiến lược, buộc địch phải thay đổi chiến lược, rút bỏ Tây Nguyên về giữ các tỉnh ven biển miền Trung. Từ ngày 16 đến 24-3, ta tiến hành truy kích, tiêu diệt gần hết quân địch rút chạy trên Đường số 7 từ Cheo Reo đến Củng Sơn, cùng với các hướng khác giải phóng Tây Nguyên. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên tạo điều kiện để ta thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.