Tấm thẻ nghĩa tình của bộ đội

10:06, 22/03/2022

Từ năm 2010, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng chính thức cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với 100% thân nhân tại ngũ.  

Từ đó đến nay, việc cấp thẻ BHYT được mở rộng thêm cho nhiều đối tượng thụ hưởng. Những ưu việt của chính sách BHYT trong quân đội thực sự là điểm tựa vững chắc, góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe bộ đội và gia đình quân nhân.

Chúng tôi đến Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân), được chỉ huy đơn vị cho biết về trường hợp của Trung tá QNCN Nguyễn Thị Bích, nhân viên quản lý, Đại đội 3, Tiểu đoàn Kỹ thuật hậu cần sân bay. Chị Bích bị ung thư tuyến giáp, phải điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Quá trình điều trị kéo dài, chị phải trải qua nhiều đợt xạ trị tốn kém. Chị Bích chia sẻ: “Nhờ có chế độ BHYT quân nhân, toàn bộ viện phí được BHYT hỗ trợ thanh toán. Tôi thấy yên tâm hơn sau mỗi lần đến viện điều trị và định kỳ kiểm tra sức khỏe. Tình trạng bệnh được kiểm soát tốt và dần cải thiện”.

Nhờ được cấp phát thẻ BHYT nên khi đến bệnh viện, chị Bích được khám ở khu vực riêng, các thủ tục khám và điều trị thuận lợi hơn. Đặc biệt, chị được hưởng một số dịch vụ khám, chữa bệnh hiện đại, thời gian điều trị rút ngắn, sức khỏe mau chóng bình phục để có thể trở lại công tác bình thường. Hơn nữa, khi có thẻ BHYT, chị được hỗ trợ chi trả viện phí, giúp vơi bớt gánh nặng kinh tế.

Việc thực hiện chính sách BHYT đối với thân nhân quân nhân tại ngũ hết sức thiết thực, là nguồn động viên tinh thần giúp bộ đội yên tâm công tác. Khi người thân đến bệnh viện sẽ được hưởng các chế độ chính sách theo quy định. Do vậy, quân nhân bớt phần lo lắng về gia đình, từ đó quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết về hoàn cảnh khó khăn của Đại úy QNCN Vũ Thị Thu Hương, nhân viên truyền số liệu ở Lữ đoàn 918.

Con trai chị Hương là Đỗ Tuấn Anh bị xuất huyết não phải tiến hành phẫu thuật để làm tan khối máu tụ trong não. Qua 5 lần phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cháu Tuấn Anh mới qua cơn nguy kịch. Sau đó, gia đình vừa kết hợp điều trị thuốc tây với điều trị bằng vật lý trị liệu tại Viện Y học cổ truyền Quân đội nhằm phục hồi các chức năng. Chị Hương chia sẻ: “Con trai tôi bị bệnh nặng phải điều trị dài ngày, chi phí rất tốn kém. Nhưng may thay, vì con tôi có BHYT hỗ trợ nên phần nào giúp gia đình vơi bớt khó khăn, giúp chúng tôi có thêm quyết tâm chạy chữa cho con sớm lành bệnh”.

Qua những trường hợp trên, có thể thấy, chính sách BHYT mà các đối tượng liên quan được thụ hưởng có rất nhiều lợi ích thiết thực. Với nhiều gia đình quân nhân và bản thân khi gặp khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, tấm thẻ BHYT đã giúp họ vượt qua những trở ngại cuộc sống. Những ưu việt cũng như tính nhân văn của chính sách BHYT giúp quân nhân thêm vững tin thực hiện mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời thực hiện hiệu quả chính sách hậu phương quân đội. Chỉ với tấm thẻ nhỏ trong tay nhưng thực sự là tấm thẻ nghĩa tình, có giá trị và ý nghĩa to lớn.

Đại tá Nguyễn Quang Lâm, Chính ủy Lữ đoàn 918 cho biết: “Chính sách BHYT quân nhân đã đáp ứng được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của phần lớn cán bộ, chiến sĩ khi được liên thông khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong và ngoài quân đội. Nhờ vậy, bộ đội được hưởng nhiều dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện đại, công tác chữa trị bảo đảm kịp thời nhanh chóng, hạn chế biến chứng xảy ra. Việc thực hiện  BHYT quân nhân còn giúp cơ sở quân y cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng số lượng điều trị tại cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên”.