Hiện nay, các đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt, huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển có bổ sung bộ trang bị nâng cao khả năng sinh tồn cho bộ đội.
Giới thiệu tính năng kỹ thuật, chiến thuật Bộ trang bị tác chiến STAM-CNM (tháng 10/2022). |
Đây là sản phẩm khoa học, công nghệ mới do các nhà khoa học của Viện Công nghệ mới (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng) nghiên cứu phát triển và sản xuất.
Đến Viện Công nghệ mới, chúng tôi được Thiếu tá, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Hoàng Việt, Trưởng phòng Công nghệ sinh học phân tử, giới thiệu: "Trong 5 năm trở lại đây, cán bộ, nghiên cứu viên của phòng đã chủ trì và tham gia hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ các cấp, tạo được nhiều sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh và kinh tế, xã hội, trong đó có các bộ trang bị sinh tồn CSAP-CNM và trang bị tác chiến STAM-CNM, bảo đảm nâng cao khả năng sinh tồn cho bộ đội trong điều kiện hoạt động độc lập trên biển"...
Trước yêu cầu nhiệm vụ tác chiến và huấn luyện, diễn tập, cứu hộ, cứu nạn trên biển, theo đề xuất của Quân chủng Hải quân, năm 2016, Viện Công nghệ mới giao cho Phòng Công nghệ sinh học phân tử xây dựng và triển khai đề tài “Nghiên cứu sản xuất bộ trang bị nâng cao khả năng sinh tồn cho bộ đội trong điều kiện hoạt động độc lập trên biển”.
Để thực hiện đề tài, các nhà khoa học của phòng đã khảo sát tính năng kỹ thuật, chiến thuật và công dụng của một số sản phẩm của quân đội của nước ngoài, như các bộ kit (dụng cụ, trang bị, hóa chất, khẩu phần ăn…) cho lực lượng đặc nhiệm, người nhái, hải quân đánh bộ của quân đội Mỹ, Canada, Anh hay bộ Seapack (Mỹ).
Các bộ kit này có các thành phần khác nhau, như: Bộ lọc nước mặn thành nước uống, đồ ăn cung cấp năng lượng, băng, gạc, thuốc chống cá mập... Qua khảo sát, phân tích, đánh giá, các nhà khoa học nhận thấy, các bộ kit, sản phẩm của nước ngoài có nhiều mặt chưa phù hợp với điều kiện tác chiến, huấn luyện của bộ đội ta; giá thành cao, công nghệ sản xuất phức tạp, nếu sản xuất thì công nghệ và nguyên liệu phải nhập ngoại.
Ở trong nước, một số cơ sở khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài quân đội đã nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu thương mại một số sản phẩm, song qua sử dụng còn bộc lộ nhiều nhược điểm. Quân chủng Hải quân đã đưa vào sử dụng thử nghiệm Bộ cơ số cá nhân đảo nổi và Bộ cơ số cá nhân đảo chìm cho bộ đội dùng để huấn luyện, diễn tập, tác chiến, tuần tiễu, trinh sát, vận tải và tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
Thực tế thử nghiệm cho thấy: Các sản phẩm này còn nhiều hạn chế như: Trọng lượng khá nặng và thiết kế chưa phù hợp với điều kiện dưới nước, đặc biệt trong điều kiện tác chiến (riêng bộ lọc nước đã có khối lượng khoảng 2kg); không cung cấp được năng lượng (thức ăn) để duy trì sức khỏe; thời gian lọc nước biển thành nước uống còn dài (5-8 giờ); sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu cho bộ đội khi ở dưới nước trên 24 giờ…
Sau hơn một năm nghiên cứu, các nhà khoa học Phòng Công nghệ sinh học phân tử đã thiết kế công nghệ, lựa chọn vật liệu, sản xuất thử nghiệm thành công các bộ trang bị nâng cao khả năng sinh tồn cho bộ đội trong điều kiện hoạt động độc lập trên biển.
Đó là: Bộ trang bị sinh tồn CSAP-CNM và Bộ trang bị tác chiến STAM-CNM. Bộ trang bị sinh tồn CSAP-CNM dạng áo phao cứu sinh (dùng trong trường hợp cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh các tình huống khẩn cấp) và Bộ trang bị tác chiến STAM-CNM dạng áo mang trang bị chiến đấu đa năng (có khả năng tích hợp một số vũ khí trang bị theo yêu cầu đặc thù của các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt.
Các bộ trang bị sinh tồn CSAP-CNM và tác chiến STAM-CNM có các thành phần chính: Kit khử muối khẩn cấp, có khối lượng và thiết kế gọn nhẹ với khả năng cung cấp tới 3,6 lít nước uống được từ nước biển, thời gian lọc nhanh; hợp chất phòng, chống và cấp cứu nhiễm lạnh, sản xuất từ các hoạt chất sinh học, đạm cá có tác dụng tăng sinh nhiệt, giữ ấm cơ thể khi phải ngâm mình dưới nước; khẩu phần ăn cứu sinh được tối ưu về dinh dưỡng, dễ hấp thu, bảo đảm mức năng lượng cho chuyển hóa cơ bản, thiết kế dạng tuýp màng nhôm phức hợp, có nắp xoáy nên thao tác đơn giản, đặc biệt dễ sử dụng cho điều kiện dưới nước.
Mỗi bộ trang bị tích hợp các thành phần trên giúp bộ đội sử dụng, sinh tồn tối thiểu từ 3-4 ngày dưới nước. Các bộ trang bị sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu, vật liệu trong nước, khắc phục được các hạn chế của Bộ cơ số cá nhân đảo chìm và Bộ cơ số cá nhân đảo nổi mà Quân chủng Hải quân đã trang bị.
Đề tài nghiên cứu được Hội đồng Khoa học và Công nghệ Viện Khoa học và Công nghệ quân sự nghiệm thu vào tháng 9/2017. Sau đó, dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Nguyễn Khánh Hoàng Việt, từ năm 2017, đề tài tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện, phát triển lên cấp Bộ Quốc phòng. Đến tháng 1/2019, Hội đồng Khoa học và Công nghệ Bộ Quốc phòng đánh giá, thẩm định, nghiệm thu.
Sản phẩm đề tài được Bộ Quốc phòng cho phép sản xuất loạt "0" và trang bị cho một số đơn vị của Quân chủng Hải quân trong năm 2020-2021.
Đến nay, các bộ trang bị sinh tồn CSAP-CNM và trang bị tác chiến STAM-CNM đã thử nghiệm qua nhiều giai đoạn, dùng trong huấn luyện, tác chiến của bộ đội đặc công nước tại vùng biển, đảo. Các đơn vị sử dụng đều đánh giá cao về khả năng phù hợp trong điều kiện hoạt động độc lập trên biển, cũng như các tình huống cần cứu sinh, giúp duy trì sức khỏe, sức chiến đấu, củng cố tinh thần, tâm lý, từ đó nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Hoàng Việt, các bộ trang bị sinh tồn CSAP-CNM và trang bị tác chiến STAM-CNM có thể phát triển sản xuất, sử dụng cho các lực lượng làm công tác cứu hộ, cứu nạn, ngư dân trên biển, góp phần bảo đảm an toàn lao động cho người dân, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và chính trị của đất nước.
Đề tài đã được Bộ Quốc phòng trao giải Nhì Giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội" năm 2019 và sáng kiến cấp Bộ Quốc phòng năm 2019.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin