Lợi dụng “góp ý” để xuyên tạc việc sửa đổi Luật Đất đai 

 Đỗ Phú Thọ 10:28, 07/01/2023

Sau khi Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và tiến hành thảo luận về dự án luật quan trọng này, trên mạng xã hội đã xuất hiện ý kiến của một số người “đề xuất giải pháp gỡ rối đất đai”. Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội đã đăng tải “góp ý” của một số cá nhân liên quan đến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc người dân tham gia xây dựng pháp luật, phản biện các dự án luật là điều đáng hoan nghênh và hết sức bình thường. Điều không bình thường là một số người không gửi văn bản góp ý đến các cơ quan có trách nhiệm, mà lợi dụng việc “góp ý” để nói xấu chế độ, không phải “gỡ rối đất đai” mà thực chất là “gây rối đất đai”.

Không chỉ riêng Việt Nam, tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đều xếp đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Mục đích của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này như trong Tờ trình của Chính phủ báo cáo trước Quốc hội là nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Thế nhưng, một số người lại xuyên tạc rằng: Nhà nước Việt Nam tiến hành sửa đổi Luật Ðất đai là để thao túng thị trường đất đai, nhằm mang lại lợi ích cho nhóm này hay nhóm khác trong xã hội chứ không phải vì lợi ích chung của nhân dân.

Thực tế hiện nay vẫn còn không ít vướng mắc trong quản lý đất đai tại Việt Nam. Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm tháo gỡ những vướng mắc ấy.  

Cử tri trong cả nước, trong đó có cử tri của Thái Nguyên, rất hoan nghênh việc sửa đổi Luật Đất đai lần này. Trong đó có các quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể trong việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời, Luật Đất đai sửa đổi cũng hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư; quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đào tạo nghề, tạo việc làm để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước. 

Vậy mà một số đối tượng chống phá lại xuyên tạc cho rằng “Luật Đất đai mới sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc cướp đất của chính quyền cộng sản”. Họ “kiến nghị” rằng “để gỡ rối đất đai phải xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai”.

Có lẽ họ không biết rằng bản chất của vấn đề đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, là việc Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình… 

Thực tế đã khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là phù hợp với Việt Nam, nhằm bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.