Trước tuyên bố độc lập ngày 17/2 của ban lãnh đạo tỉnh Kosovo trực thuộc nước Cộng hòa Xécbia, các nước trên thế giới đã có những phản ứng khác nhau về vấn đề này.
Cùng ngày, Xri Lanca cho rằng tuyên bố của Kosovo độc lập khỏi Xécbia có thể đặt ra một "tiền lệ khó có thể quản lý được" và đe dọa hoà bình thế giới. Chính phủ Xri Lanca cho rằng hành động này vi phạm hiến chương LHQ.
Chính phủ Tây Ban Nha được báo chí địa phương dẫn lời khẳng định rằng nước này sẽ không chấp nhận tuyên bố độc lập của Kosovo. Đảng Công nhân Xã hội cầm quyền ở Tây Ban Nha cho rằng tuyến bố trên sẽ gây tổn hại tới hoà bình ở khu vực Bancăng, tạo tiền lệ nguy hiểm cho các khu vực đang tồn tại chủ nghĩa li khai.
Tổng thống Séc Vaclav Klaus cảnh báo sự độc lập của Kosovo có thể gây hiệu ứng dây chuyền ở Châu Âu, cho rằng đây là sự thay đổi lớn về bộ mặt Châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ II.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ George W. Bush cho biết ông ủng hộ kế hoạch của phái viên LHQ, ông Martti Ahtisaari, được đưa ra vào đầu năm 2007, trong đó kêu gọi nền độc lập dưới sự giám sát của quốc tế cho Kosovo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack thì nói rằng Mỹ đã "ghi nhận" tuyên bố độc lập của Kosovo và kêu gọi tất cả các bên trong khu vực kiềm chế.
Trong phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ được tổ chức vào ngày 17/2 theo yêu cầu của Nga, bày nước bao gồm Bỉ, Pháp, Italia, Anh, Crôatia, Đức và Mỹ cho rằng HĐBA vẫn không thể nhất trí về tương lai Kosovo, và rằng “an ninh, ổn định của Kosovo phải được đảm bảo thông qua Liên minh Châu Âu (EU) và NATO”.
Trước cuộc họp này, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết Mátxcơva và Bêôgrát cũng đang kêu gọi tổ chức thêm một cuộc họp khẩn cấp nữa của HĐBA vào ngày 18/2, mà dự kiến sẽ có sự tham dự của Tổng thống Xécbia Boris Tadic.
Sau tuyên bố độc lập của Kosovo, NATO lập tức kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và khẳng định rằng 16.000 binh sỹ gìn giữ hoà bình của khối này sẽ tiếp tục đảm bảo an ninh trong khu vực. Thông báo của khối này cho biết các đại sứ NATO sẽ nhóm họp ngày 18/2 để bàn về vấn đề Kosovo. Cùng ngày, các quan chức EU đã kêu gọi các nước Bancăng bình tĩnh. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng kêu gọi bình tĩnh và không có hành động thái quá về Kosovo, trong khi Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner đã có lời chúc "may mắn" đối với Kosovo.
Trước tuyên bố độc lập của Kosovo, các khu vực li khai của Grudia là Nam Ôxetia và Ápkhazia đã có kế hoạch đề nghị Nga và LHQ công nhận họ độc lập. Hãng tin Interfax của Nga cho biết cả hai nhà lãnh đạo của Nam Ôxetia và Ápkhazia đều cho biết hành động của họ “được thúc đẩy bởi quyết định của Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Xécbia ngày 17/2.
Ngày 18/2, các toà nhà của EU và LHQ tại Mitrovica, thành trì của người Xécbia ở Kosovo, đã bị tấn công bằng lựu đạn. Tại Bêôgrát, khoảng 2.000 người dân Xécbia giận dữ đã ném đá vào Đại sứ quán Mỹ ở Bêôgrát để phản đối tuyên bố độc lập của Kosovo được Oasinhtơn hậu thuẫn.
Về phần mình, Quốc hội Kosovo đã thống nhất chấp thuận tuyên bố độc lập của vùng lãnh thổ này khỏi Xécbia sau một phiên họp lịch sử diễn ra ngày 17/2. Thủ tướng Kosovo, ông Hashim Thaci, nói Kosovo sẽ trở thành một đất nước dân chủ tôn trọng các quyền của tất cả các cộng đồng sắc dân.
Bản dự thảo tuyên bố độc lập trình trước Nghị viện Kosovo ngày 17/2 gồm 12 điểm cho biết một Kosovo độc lập sẽ "kiên quyết theo đuổi hòa bình và ổn định". Bản dự thảo trên nói quốc gia Kosovo sẽ được xây dựng dựa trên kế hoạch của phái viên LHQ Martti Ahtissari, trong đó kêu gọi nền độc lập cho vùng lãnh thổ đang tranh chấp của Xécbia "dưới sự giám sát" của một phái bộ Liên minh Châu Âu (EU).