Thượng đỉnh EU không đạt được thỏa thuận về ngân sách

08:07, 24/11/2012

Mấu chốt vấn đề vẫn là một số quốc gia thành viên đòi hỏi giảm bớt một phần không nhỏ trong ngân sách chung.

Đúng như dự đoán, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu bàn về dự thảo tài chính dài hạn 2014-2020 kết thúc hôm qua (23/11) Brussels, Bỉ đã thất bại khi các nhà lãnh đạo châu Âu chia tay nhau không đạt được thỏa thuận nào. Liên minh châu Âu sẽ phải sớm có các cuộc thương lượng tiếp theo để bàn về vấn đề này trước khi quá muộn.

 

Mấu chốt vấn đề vẫn là một số quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu là Anh, Thụy Điển, Hà Lan đòi hỏi giảm bớt một phần không nhỏ trong ngân sách chung của liên minh; bởi họ không muốn phải gánh trách nhiệm đóng góp lớn. 


 

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Herman Van Rompuy đề xuất ngân sách 983 tỷ euros – mức thấp hơn so với 1.007 tỷ trong giai đoạn trước 2007-2013. Trong đó, các khoản bị cắt giảm liên quan đến đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, Chính sách nông nghiệp chung (PAC). Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron vẫn yêu cầu cắt giảm thêm 30 tỷ, trước đó nước Anh đòi hỏi giảm bớt 50 tỷ. Nhà lãnh đạo Anh cũng nêu cụ thể có thể giảm 6 tỷ euros riêng nhờ việc giảm bớt các chi phí về nhân sự trong liên minh. Chủ tịch nhóm các nước sử dụng đồng euro ông Jean Claude Juncker thừa nhận một thực tế hiển nhiên rằng: “Khi động tới vấn đề tài chính, các cuộc thương lượng trở nên rất khó khăn”.

 

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel thì nhấn mạnh có những bất đồng quan điểm sâu sắc: “Quan điểm giữa các nước thành viên Liên minh Châu Âu chúng tôi rất cách xa nhau”.

 

Về phần mình, nước Pháp nhất quyết bảo vệ khoản ngân sách cho Chính sách nông nghiệp chung – khoản bị ảnh hưởng đầu tiên nếu ngân sách chung Châu Âu bị cắt giảm. Lý do là bởi nước Pháp là quốc gia thành viên được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách trợ cấp nông nghiệp, có thể là khoảng 8 tỷ euros trong giai đoạn 2014-2020. Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói: “Quan điểm của nước Pháp rất rõ ràng rằng: Thứ nhất, giữ nguyên mức ngân sách mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu nêu ra, dù có nhiều quốc gia yêu cầu giảm bớt. Và trong tổng thể ngân sách đó, chúng tôi bảo vệ khoản tiền dành cho Chính sách nông nghiệp chung, gồm cả trợ cấp trực tiếp lẫn đầu tư vào khu vực nông thôn. Nước Pháp không yêu cầu cắt giảm ngân sách chung, nước Pháp chỉ kêu gọi sự đoàn kết trong nội bộ Liên minh châu Âu”.

 

Đúng là vấn đề “đoàn kết” nổi lên rõ nét sau những thất bại về một thỏa thuận ngân sách chung. Thái độ căng thẳng nhất của nước Anh khiến báo chí và các nhà lãnh đạo châu Âu một lần nữa nhắc đến câu hỏi: “Nước Anh ở trong hay ngoài liên minh ?”. Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt giờ là một thành viên Nghị viện châu Âu nhấn mạnh: “Không cần thiết phải cô lập Thủ tướng Anh David Cameron, ông ấy tự cô lập chính mình".

 

Báo chí Anh thì khẳng định Thụy Điển và Hà Lan đứng về phía Luân Đôn trong yêu cầu cắt giảm ngân sách; và dường như nước Anh đang tìm thêm “đồng minh” trong vấn đề này, thông qua một số cuộc gặp riêng của Thủ tướng Anh với các nhà lãnh đạo châu Âu bên lề hội nghị thượng đỉnh.

 

Thỏa thuận duy nhất mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đạt được sau hai ngày họp là họ sẽ phải sớm tiếp tục gặp nhau để cố gắng thỏa hiệp và đạt được một ngân sách chung cho liên minh.