Ngày 3/12, Ai Cập đã thành lập một Ủy ban tối cao để giám sát cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp dự kiến diễn ra vào ngày 15/12 tới.
Theo Nhật báo "Al Ahram" dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, người đứng đầu Tòa án phúc thẩm Cairô, thẩm phán Xamia Abu En Mati (Samir Abou El-Maati) đã được bổ nhiệm làm chủ tịch ủy ban trên.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập, Amơ Rốtđi (Amr Roshdy) cho biết các kiều dân của nước này sẽ tham gia bỏ phiếu về dự thảo hiến pháp trong khoảng thời gian từ ngày 8-11/12 tại tất cả các đại sứ quán và 11 lãnh sự quán chính của Ai Cập ở các nước. Theo ông Amơ, Ngoại Trưởng Môhamét Camen Amơ (Mohamed Kamel Amr) đã chỉ đạo sứ quán và các lãnh sự quán của Ai Cập kéo dài thời gian mở cửa từ 8h-18h để tạo điều kiện cho các công dân tham gia bỏ phiếu.
Liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân sắp tới về dự thảo hiến pháp, ngày 3/12, Hội đồng Tư pháp tối cao của Ai Cập tuyên bố sẽ bảo đảm sự giám sát tư pháp đối với cuộc trưng cầu sắp tới, bất chấp sự tẩy chay của một số thẩm phán đối với sự kiện này. Ông Môhamét Gađala (Mohamed Gadallah), cố vấn pháp luật của Tổng thống Môhamét Mơxi (Mohamed Morsi) cho biết Hội đồng Tư pháp tối cao đã đồng ý ủy quyền cho các thẩm phán và thành viên các cơ quan công tố tham gia giám sát cuộc trưng cầu. Cùng ngày, Hội đồng đặc biệt, bộ phận có thẩm quyền cao nhất trong Hội đồng nhà nước, cũng chấp nhận tham gia giám sát cuộc trưng cầu dân ý, đồng thời cho biết sẽ gửi danh sách các thẩm phán được giao nhiệm vụ này tới Ủy ban Bầu cử tối cao vào ngày 4/12. Trước đó, ngày 2/12, Câu lạc bộ thẩm phán, một tổ chức có ảnh hưởng trong giới tư pháp, đã kêu gọi các đồng nghiệp "tránh xa" cuộc trưng cầu ý dân.
Bất đồng giữa các thành viên bộ máy tư pháp khiến cho kế hoạch của các nhà lãnh đạo Hồi giáo tổ chức trưng cầu ý dân nhằm nhanh chóng kết thúc giai đoạn chuyển tiếp chính trị có thể sẽ trở nên phức tạp hơn. Sự tẩy chay của một số thẩm phán có thể làm giảm độ tin cậy của cuộc trưng cầu ý dân và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Ai Cập, trong bối cảnh làn sóng phản đối tuyên bố hiến pháp của Tổng thống Môhamét Mơxi cũng như kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp tiếp tục lan rộng. Ngày 3/12, hai nhà hoạt động thế tục đã tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Quốc gia để phản đối quyết định đưa dự thảo hiến pháp ra trưng cầu ý dân khi chưa đạt được đồng thuận, đồng thời chỉ trích bản tuyên bố hiến pháp của Tổng thống là một "thảm họa" và không đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Cùng ngày, nhiều phóng viên của báo mạng "Al Ahram" đã quyết định đình công nhằm thể hiện sự đoàn kết với 11 tờ báo độc lập khác. Ban lãnh đạo của Nghiệp đoàn báo chí cũng quyết định áp dụng hình thức kỷ luật đối với ông Mamđu An Oali (Mamdouh al-Wali), Chủ tịch tổ chức này, vì đã tham gia cuộc họp của Hội đồng lập hiến thông qua dự thảo hiến pháp.
Theo kế hoạch, chiều 4/12, các lực lượng chính trị đối lập sẽ tiến hành một cuộc tuần hành lớn trước cửa dinh tổng thống tại quận Hêliôpôlít (Heliopolis) nhằm phản đối bản dự thảo hiến pháp và cuộc trưng cầu ý dân sắp tới. Cuộc tuần hành với tên gọi "Lời cảnh báo cuối cùng" sẽ là cuộc biểu dương lực lượng thứ ba của phe đối lập kể từ khi Tổng thống Môhamét Mơxi ban hành bản tuyên bố hiến pháp gây tranh cãi vào ngày 22/11./.