Châu Âu nỗ lực đẩy lùi bóng ma khủng bố

06:52, 28/02/2015

Trong bối cảnh nguy cơ tiến công khủng bố đang ở mức báo động tại châu Âu, cuối tháng 2-2015, các nước Ðông và Nam Âu đã cùng nhau họp bàn phương án để đương đầu với các phần tử cực đoan.

Tại cuộc họp bàn về vấn đề chống khủng bố vào ngày 24-2 vừa qua, các nước Ðông và Nam Âu đã đưa ra một nghị quyết chung. Theo đó, các bộ trưởng ngoại giao của Diễn đàn Hợp tác Ðông - Nam Âu (SEECP) cam kết sẽ có những hành động và phản ứng chung nhằm ngăn chặn khủng bố cực đoan trong khu vực, đồng thời nêu cao tinh thần ủng hộ sự khoan dung tôn giáo. Bộ trưởng Ngoại giao An-ba-ni Ð.Bu-sa-ti nhấn-mạnh, tinh thần hợp tác chính là "chìa khóa vàng" để đẩy lùi mối nguy hiểm này và sự hợp tác bao gồm tăng cường tiếp cận thông tin cũng như sự phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát, tình báo và thực thi pháp luật. Ðây là lần đầu tiên các nước Ðông và Nam Âu tổ chức một cuộc họp với nội dung như vậy, bởi toàn bộ người dân "lục địa già" đều đang đối mặt với nỗi ám ảnh, lo âu thường trực về khả năng tiến công có thể xảy ra bất cứ lúc nào của các phần tử khủng bố cực đoan.

 

Trước đó, việc chống khủng bố không ít lần trở thành vấn đề nóng trên bàn nghị sự của Liên hiệp châu Âu (EU). Hơn bao giờ hết, EU nhận thức rõ nguy cơ đang là mục tiêu tiến công ở mức độ cao của các phần tử khủng bố. Nguy hiểm hơn cả, những kẻ khủng bố này không ở bên ngoài khu vực mà luôn "lẩn khuất" ngay trong lòng các nước châu Âu. Giữa tháng 2-2015, các nhà lãnh đạo EU đã tổ chức một hội nghị cấp cao đặc biệt bàn về chống khủng bố. Tại hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Pháp B.Ca-dơ-nơ-vơ nhắc lại đề nghị thiết lập một hệ thống trao đổi thông tin hành khách giữa các quốc gia nhằm theo dõi sự di chuyển của những đối tượng bị tình nghi. Các nước EU cũng thống nhất đẩy mạnh trao đổi thông tin tình báo để hỗ trợ nhau sớm phát hiện các đối tượng khủng bố, đồng thời đẩy mạnh cuộc chiến truyền thông, phòng ngừa việc gieo rắc tư tưởng cực đoan qua in-tơ-nét.

 

Việc các quốc gia châu Âu rầm rộ triển khai kế hoạch chống khủng bố và bắt tay nhau trong cuộc chiến phức tạp này là một đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Bởi, các phần tử khủng bố đang hoạt động liều lĩnh hơn và thâm nhập rất nhanh vào xã hội các nước phương Tây. Giới chuyên gia nhận định, châu Âu đang đối mặt hai nguồn khủng bố: những thành phần trở về từ các cuộc thánh chiến tại khu vực Trung Ðông và những thành phần đang "ẩn náu" trong lòng các nước phương Tây, chỉ chờ thời cơ thuận lợi để tiến công. Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết, có đến 5.000 công dân EU gia nhập hàng ngũ phiến quân thánh chiến tại Trung Ðông. Ðây chính là những quả "bom hẹn giờ" chực phát nổ, khi những lực lượng này trở về quê hương và tiến hành những vụ thảm sát đẫm máu tương tự các vụ tiến công ở Pháp những ngày đầu năm 2015. Giám đốc Europol từng thừa nhận, việc phá vỡ các âm mưu tiến công kinh hoàng này cực kỳ khó khăn, bởi các thành phần khủng bố hoạt động đơn lẻ, không theo hệ thống tổ chức rõ ràng và ngày càng có nhiều kinh nghiệm.

 

Những biện pháp siết chặt kiểm soát người nhập cảnh hay chia sẻ thông tin tình báo mà các nước châu Âu nhất trí qua những cuộc họp gần đây dù góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa khủng bố, song chưa thật sự triệt tiêu mầm mống phát sinh của chủ nghĩa này. Theo thống kê của EU, hiện có khoảng 15 đến 20 triệu người Hồi giáo sinh sống tại châu Âu, chiếm bốn đến 5% dân số. Ðáng nói là, trong cộng đồng tôn giáo ở châu lục này, người Hồi giáo ít có khả năng kiếm việc làm và có nhà riêng nhất. Chính sự phân biệt người Hồi giáo là nhân tố cốt lõi tạo nên mâu thuẫn trong xã hội châu Âu và đẩy người Hồi giáo vào trạng thái dễ bị kích động, dần dần hình thành tư tưởng cực đoan. Do đó, xóa bỏ chia rẽ giữa các cộng đồng dân cư trong xã hội và đón nhận các tôn giáo với lòng khoan dung chính là điểm tựa để châu Âu triệt tiêu lòng hận thù - gốc rễ của tư tưởng cực đoan. Không chỉ tìm kiếm sự liên kết chặt chẽ giữa các nước trong khu vực, "lục địa già" còn phối hợp các đối tác ở khu vực Trung Ðông, Bắc Phi - nơi đang chịu sự hoành hành của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, "nguồn cảm hứng" cho các phần tử khủng bố tại châu Âu. Sự phối hợp của cộng đồng quốc tế chống lại chủ nghĩa khủng bố ở Xy-ri, I-rắc... cũng là một trong những nhân tố quan trọng giúp ngăn ngừa hiểm họa khủng bố ở châu Âu.

 

Theo các chuyên gia, chưa bao giờ "lục địa già" lại đứng trước thách thức an ninh phức tạp và nguy hiểm như lúc này. Cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn dài, chông gai và không chỉ là nhiệm vụ của từng quốc gia riêng rẽ, mà là mối nguy của cộng đồng quốc tế. Nó đòi hỏi sự góp sức, chung tay của mọi quốc gia trong việc kiếm tìm một giải pháp toàn diện, giúp triệt tiêu tận gốc tư tưởng cực đoan, trả lại sự yên bình cho cuộc sống của người dân châu Âu và trên toàn thế giới.