Các nước châu Âu đồng loạt đóng cửa biên giới, người nhập cư mắc kẹt

16:03, 19/09/2015

Việc các nước châu Âu đồng loạt đóng cửa biên giới vì số người nhập cư quá đông đã đẩy những người này vào tình thế mắc kẹt.

Croatia ngày 18/9 đã đóng 7 trong số 8 cửa khẩu biên giới đường bộ với Serbia để đối phó với lượng người di cư khổng lồ. Như vậy, trong bối cảnh, Liên minh châu Âu (EU) chưa tìm được giải pháp chung cho vấn đề người tị nạn, thì mỗi quốc gia thành viên buộc phải “tự thân vận động". Các quan chức từ Croatia cho biết, họ không còn lựa chọn nào khác khi có tới hơn 10.000 người đổ đến nước này mỗi ngày sau khi Hungary đóng cửa biên giới với Serbia. Theo các quan chức Croatia, những con đường dẫn đến các cửa khẩu cũng đã bị đóng. Việc đóng cửa khẩu đã cắt đứt các tuyến đường bộ chính từ Hy Lạp đến Bắc Âu.

 

Trước đó, ngày 17/9, Bộ trưởng Nội vụ Croatia Ranko Ostojic cho biết nước này đã "quá tải người" và chuyển thông điệp đến những người di cư: "Đừng đến đây nữa. Hãy ở lại các trại tị nạn tại Serbia, Macedonia và Hy Lạp. Đây không phải là con đường tới Châu Âu. Xe bus không thể đưa bạn đến đấy". Croatia cho biết, họ đang phải điều động quân đội để ngăn hàng ngàn người di cư trong hành trình tìm đường xuyên qua bán đảo Balkan để tiến vào châu Âu. Thậm chí, Croatia đã phải đóng cửa một số trung tâm tiếp nhận người di cư gần Croatia. Tuy nhiên, nhiều người tị nạn đã nhanh chóng di chuyển tới biên giới Slovenia, khu vực nằm cách thủ đô Croatia chỉ khoảng 30km.

 

Tuy vậy, cảnh sát Slovenia thông báo là họ đã buộc phải cho dừng một đoàn tàu chở khoảng 150 người tị nạn ở nhà ga Dobova nằm bên biên giới nước này và khẳng định đoàn tàu này sẽ phải quay trở lại địa điểm xuất phát. Sau đó, Slovenia còn cho dừng toàn bộ hoạt động giao thông đường sắt trên tuyến đường chính chạy từ Croatia. Lực lượng cảnh sát dùng trực thăng và điều động binh sĩ đi tuần tra khắp các khu vực biên giới. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Slovenia cho biết nước này sẽ thỏa luận với các nước khác về việc thành lập một hàng lang cho người tỵ nạn đi qua nếu áp lực về dòng người tỵ nạn đổ về đây quá lớn.

 

Thủ tướng Slovenia Miro Cerar nói: “Nếu dòng người tỵ nạn đổ về đây quá đông, chúng tôi phải xem xét mở một cái gọi là “hành lang” để người di cư có thể đi xuyên qua các nước liên quan. Đây sẽ là tinh thần thỏa thuận chung”. Ước tính hơn 17.000 người di cư đã đi từ biên giới Croatia đến biên giới  Slovenia kể từ khi Hungary đóng cửa biên giới ngày 16-9.

 

Rạng sáng cùng ngày, Hungary tuyên bố đặt thêm hai khu vực ở biên giới với Croatia vào tình trạng khẩn cấp, gồm vùng Baranya và Somogy. Nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư, Hungary đang lên kế hoạch cho xây dựng tiếp các hàng rào chắn với Croatia, sau khi đã hoàn thành xây dựng hàng rào bằng dây thép gai dọc theo toàn bộ đường biên giới với Serbia và chuẩn bị xây dựng một hàng rào với Romania.  

 

Ông Goergy Bakondi-Cố vấn an ninh của thủ tướng cho biết: “Trong đêm qua, chúng tôi bắt đầu xây dựng hàng rào trên biên giới của Hungary và Croatia. Tại thời điểm này có 600 binh sĩ tại hiện trường. Đến cuối tuần sẽ có thêm 1.200 binh sĩ nữa đến đó hỗ trợ việc xây dựng. Chúng tôi tin rằng, trong hôm nay, họ sẽ hoàn thành xây dựng 41km hàng rào tại những khu vực dễ xâm nhập vào nhất”.

 

Những bước đi mới của Hungary, Croatia và Slovenia có thể biến khu vực Balkan trở thành vùng đất kẹt cho những người tị nạn muốn đi đến đích cuối cùng là các nước Tây Âu. Theo quy định của Liên minh châu Âu, người tị nạn cần phải đăng ký và tuyên bố tị nạn tại quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân. Tuy nhiên, nhiều người nhập cư và tị nạn lại mong muốn tiếp tục tiến vào các quốc gia Tây Âu giàu có hơn như Đức và Áo. Họ không muốn xin tị nạn tại các quốc gia nhỏ và ít phúc lợi của Liên minh châu Âu như Hungary, Croatia, Slovenia. Trước tình cảnh người di cư bị mắc kẹt và buộc phải qua đêm ngoài trời,  Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp vào tuần tới để giải quyết những bất đồng trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn của 28 quốc gia thành viên.  

 

Tuy vậy, theo đánh giá của giới phân tích, nếu không có biện pháp giải quyết tốt và không thể thống nhất được hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư vào mỗi nước, châu Âu có thể bị “nhấn chìm” trong cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.