Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ nhắm đến hai mục tiêu công khai: thứ nhất là thiết lập một chế độ thương mại và điều tiết thị trường chung, mang nhiều đặc điểm của chính hệ thống Mỹ, và thứ hai là đưa sản phẩm và dịch vụ Mỹ tiếp cận một thị trường rộng lớn với hơn 800 triệu dân và chiếm gần 40% GDP thế giới.
Cả hai mục tiêu này đều hướng tới một mục đích duy nhất: chặn bước tiến của Trung Quốc tại “vùng lòng chảo” Thái Bình Dương, khu vực ảnh hưởng truyền thống của Washington. Mục tiêu chiến lược và trọng tâm nhất này ra đời từ suy tính địa chính trị nhiều hơn là thương mại, và do vậy cũng có thể coi TPP là một công cụ mà Mỹ đang gây dựng để duy trì ưu thế toàn cầu của mình trước sự vươn lên của Trung Quốc.
Bắt nguồn từ đặc điểm này sẽ không có gì ngạc nhiên khi những điểm gây tranh cãi nhất cho tới nay xung quanh TPP không phải là việc giảm thuế, trợ giá nông nghiệp hay hạn ngạch nhập khẩu, mà lại là các đề tài như sở hữu trí tuệ, quy định môi trường, tiêu chuẩn điều tiết và bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài.
Thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử, còn phải được quốc hội của 12 nước thành viên ký kết thông qua, sẽ “thổi bay” hàng nghìn loại thuế đang đánh vào các sản phẩm của Mỹ khi vào thị trường châu Á, cũng như các sản phẩm châu Á khi thâm nhập thị trường của nền kinh tế số 1 thế giới. Xét về khía cạnh thương mại và theo nghĩa tương đối, mỗi một thành viên của TPP đều giành được quyền tiếp cận tự do thị trường của 11 đối tác còn lại, và với việc các sản phẩm được trợ giá tại một số nước vẫn nằm ngoài thỏa thuận, rõ ràng tất cả các nước thành viên đều giành được lợi ích.
Tuy nhiên, có thể nói lợi ích thương mại đó chỉ là yếu tố phụ. Ngày nay, gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đang giảm dần hàng rào thuế quan của mình và nhiều nước đã có thỏa thuận tự do thương mại với các nhà cung cấp và thị trường chính của mình, theo đó, việc giảm thuế của TPP cũng chỉ có tác động không đáng kể. Tác động lớn thực sự - điểm gây tranh cãi đồng thời là điểm quan trọng nhất của hiệp định - chính là việc thống nhất các quy định, tiêu chuẩn, chế tài. Chính đặc điểm này biến TPP trở thành một thỏa thuận hội nhập kinh tế sâu sắc và chiến lược tương tự mô hình của Liên minh châu Âu (EU).
Một số cải cách về quy định được tất cả các thành viên chào đón, như việc áp dụng tiêu chuẩn lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hay việc giảm bớt quyền hạn của các chính phủ trong việc hạn chế dòng thông tin tự do trên Internet hay các quy định về bảo vệ môi trường. Giá cả các loại thuốc men tại 11 nước thành viên còn lại ngoài Mỹ chắc chắn sẽ tăng cao một khi TPP có hiệu lực.
Nhưng có lẽ điểm gây tranh cãi nhất của hiệp định này là việc trao cho các công ty nước ngoài sự bảo vệ hợp pháp trước các chính phủ của một quốc gia khỏi một số hoạt động “bất công” từ tịch biên, quốc hữu hóa cho tới các hành vi “phân biệt đối xử” tạo lợi thế cho công ty bản địa. Điều này về lý thuyết là công bằng, một công ty quốc tế có nguồn gốc từ châu Á hay từ các nước Mỹ Latinh như Chile, Mexico và Peru sẽ được bảo vệ tốt hơn khi hoạt động tại Mỹ. Nhưng trên thực tế, số lượng các tập đoàn xuyên quốc gia của tất cả các nước thành viên khác của TPP đều thấp hơn khá nhiều so với số lượng các tập đoàn toàn cầu của Mỹ.
Tóm lại, Mỹ muốn TPP trở thành công cụ giúp cho họ duy trì vị trí siêu cường toàn cầu của mình. Nhật Bản thì tìm kiếm một thỏa thuận quốc tế đủ mạnh để cho phép họ tiến hành những cải cách cơ cấu mà chính phủ của ông Abe đang cần tiến hành nhưng thiếu động cơ chính trị. Còn các nước Mỹ Latinh và châu Á muốn tiếp cận một thị trường chung nhiều hứa hẹn cũng như hình thành một dự án hội nhập khu vực thành công như EU, mặc dù bản thân khối liên minh của “lục địa Già” này giờ đây đã không còn là một hình mẫu lý tưởng cho TPP.