Hai vụ xả súng đẫm máu liên tiếp trong vòng 24 tiếng đồng hồ hồi cuối tuần qua tại bang Texas và Ohio, Mỹ, đã khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương. Tới nay đã có hơn 250 vụ tấn công liên quan tới súng trong năm 2019 trên toàn nước Mỹ. Hàng trăm người dân đã tụ tập trước Nhà Trắng và hầu hết các ứng cử viên tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ đều lên tiếng kêu gọi hành động đối với bạo lực súng đạn.
20 người thiệt mạng và 26 người bị thương trong vụ xả súng kinh hoàng tại một siêu thị bán lẻ Walmart sáng ngày 3/8 tại El Paso thuộc bang Texas. Chưa đầy 24 tiếng sau, một tay súng đã cướp đi tính mạng của ít nhất 9 người và làm bị thương ít nhất 27 người tại một khu giải trí thuộc bang Ohio. Theo Hồ sơ dữ liệu các vụ bạo lực do súng tại Mỹ, tính riêng từ đầu năm tới nay, đã có hơn 520 người thiệt mạng và ít nhất 2.000 người bị thương trong các vụ xả súng hàng loạt và con số này có thể còn tiếp tục tăng khi còn 4 tháng nữa mới hết năm 2019.
Chỉ trong vòng 3 năm qua đã có 4 trong 10 vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ với số người chết ít nhất là 17 và cao nhất là 58. Các vụ xả súng liên tiếp trong gần 2 ngày qua chắc chắn sẽ làm nóng lại chủ đề kiểm soát súng đạn và đã tới lúc nước Mỹ cần nghiêm túc hơn đối với vấn đề này.
Tranh cãi dai dẳng xung quanh vấn đề kiểm soát súng đạn
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc năm 2018, khoảng 14.611 người Mỹ đã chết vì súng đạn. Tỷ lệ này cao gấp 6 lần so với Canada, hơn 7 lần so với Thụy Điển và gần 16 lần so với Đức. Trong khi đó, các cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), một trung tâm chuyên khảo sát các vấn đề xã hội, dân số Mỹ chiếm chưa tới 5% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu khoảng 45% vũ khí tư nhân của thế giới.
Hạ viện Mỹ mới đây đã thông qua hai dự luật liên tiếp liên quan đến kiểm soát súng đạn, động thái được coi là chưa từng có tiền lệ ở Mỹ với văn hóa súng đạn phổ biến rộng rãi. Dự luật an toàn súng đạn quy mô lớn cho phép mở rộng việc kiểm tra lý lịch đối với gần như mọi trường hợp mua bán súng, bao gồm cả các vụ mua vũ khí tại các cuộc trưng bày vũ khí hay qua mạng. Trong vòng 1/4 thế kỷ, lần đầu tiên mới có một dự luật về kiểm soát súng đạn qua được cửa Hạ viện như vậy tại Mỹ. Sau đó, một dự luật liên quan đến kiểm soát súng đạn lớn thứ hai cũng được thông qua tại Hạ viện. Dự luật này quy định kéo dài thời gian xem xét kiểm tra thông tin đối với hoạt động mua bán súng đạn. Trong đó, đề xuất sẽ kéo dài thời gian xem xét ban đầu để kiểm tra thông tin về hoạt động mua bán súng đạn từ 3 đến 10 ngày.
Mấy năm gần đây, bất chấp bạo lực súng đạn gia tăng nhưng mọi nỗ lực để thông qua các luật liên bang mới nhằm kiểm soát súng đạn ở Mỹ đều không qua được cửa Hạ viện. Việc đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện từ năm 2011 thực sự là thách thức lớn đối với những nỗ lực nhằm kiểm soát súng đạn ở Mỹ. Tuy nhiên, từ khi giành lại quyền kiểm soát tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018, đảng Dân chủ đã tập trung nhiều hơn vào các quy định về súng đạn. Vì vậy, việc các dự luật trên được thông qua sau một thời gian dài được coi là bước đột phá trong nỗ lực kiểm soát súng đạn ở Mỹ.
Tuy nhiên, tới nay, hai dự luật trên vẫn chưa được đề cập tới tại Thượng viện và khả năng sẽ khó có thể thông qua tại đây khi đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng đã đe dọa phủ quyết nếu hai dự luật này được Quốc hội thông qua.
Sở dĩ có sự tranh cãi dai dẳng đó là vì các nhóm lợi ích ở Mỹ thường có sức ảnh hưởng đáng kể trên chính trường, đặc biệt là Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ, tổ chức luôn sẵn tiền vận động các chính khách quyền lực, để họ nói không với các đề xuất hạn chế sử dụng súng đạn. Nguồn thu hấp dẫn từ kinh doanh súng đạn ở Mỹ chính là một cản trở lớn đối với những nỗ lực nhằm hạn chế súng đạn ở quốc gia này. Chính vì vậy, rất khó để có thể thay đổi các luật về kiểm soát súng đạn ở Mỹ khi luôn có sự chia rẽ giữa lưỡng viện quốc hội.
Đã tới lúc nước Mỹ cần nghiêm túc trong vấn đề kiểm soát súng đạn
Ngay trong ngày 03/08, sau vụ xả súng tại bang Texas, hàng trăm người dân đã tụ tập trước Nhà Trắng kêu gọi chính phủ hành động đối với kiểm soát súng đạn. Mặc dù đám đông này là tự phát nhưng đã thể hiện tiếng nói chung của nhiều người dân Mỹ, đặc biệt là khi số lượng các vụ xả súng hàng loạt với nhiều thương vong liên tục tăng trong vài năm qua.
Không chỉ người dân, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ cũng có phản ứng đặc biệt mạnh mẽ, nhắm vào khủng hoảng bạo lực súng đạn. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 có số ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ tập trung về kiểm soát súng đạn nhiều nhất từ trước tới nay với việc kêu gọi chống lại bạo lực liên quan tới súng đạn và cam kết chống lại các hoạt động của Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ. Ngay sau các vụ xả súng trong hai ngày 3/8 và 4/8, nhiều ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ đã chỉ trích Thượng viện không hành động nhằm chấm dứt bạo lực súng đạn và kêu gọi Thượng viện thông qua hai dự luật nhằm kiểm soát súng đạn đã được thông qua ở Hạ viện hồi đầu năm.
Bất chấp lời kêu gọi của dư luận về việc tăng cường quản lý súng đạn, Tổng thống Donald Trump vẫn dường như ủng hộ không siết chặt các đạo luật kiểm soát súng đạn. Hồi giữa năm 2018, phát biểu tại đại hội thường niên của Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ, Tổng thống Trump đã một lần nữa kêu gọi trang bị vũ khí cho giáo viên và tăng cường an ninh trường học nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tại trường học trong tương lai, như vụ xả súng ở một trường trung học ở bang Florida khiến 17 người thiệt mạng. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng lại không đề cập đến các vấn đề xuất kiểm soát súng đạn mà ông từng tuyên bố trước đó như nâng độ tuổi người mua súng.
Ông Trump từng nhấn mạnh rằng mặc dù các nghị sĩ Dân chủ nhìn chung đều ủng hộ việc siết chặt đạo luật súng đạn, song các đề xuất cụ thể mà họ đưa ra, như việc kiểm tra lý lịch toàn diện và một lệnh cấm súng trường kiểu quân sự, sẽ không làm thay đổi Tu chính án thứ 2. Ông chủ Nhà Trắng cũng chỉ trích các đạo luật súng đạn nghiêm khắc tại các nước như Pháp và Anh, cho rằng các vụ tấn công có thể ngăn chặn được nếu người dân được trang bị vũ khí.
Tới nay Tổng thống Trump và Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát vẫn không đả động tới hai dự luật nhằm kiểm soát súng đạn đã được thông qua ở Hạ viện và việc tiếp tục im lặng sẽ khiến dư luận và các ứng cử viên đảng Dân chủ gia tăng chỉ trích và điều này có thể khiến uy tín của Tổng thống Trump suy giảm trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang gấp rút. Sau các vụ xả súng hàng loạt liên tiếp vừa qua, việc kiểm soát súng đạn hoàn toàn có thể trở thành một chủ đề nóng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Thực tế cho thấy, dù số người chết do súng đạn vẫn không ngừng tăng lên, chính phủ Mỹ vẫn chưa triển khai được chính sách hiệu quả nào nhằm ngăn chặn những thảm kịch tương tự có thể xảy ra trong tương lai, và việc sở hữu súng đạn cùng những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng vẫn có thể sẽ tiếp diễn tại xứ cờ hoa. Chính vì vậy, đây là lúc nước Mỹ cần nghiêm túc trong vấn đề kiểm soát súng đạn với những giải pháp cụ thể để các vụ xả súng hàng loạt không tiếp tục là bóng ma ám ảnh nước Mỹ./.