Đội ngũ về chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden đang tái định hướng các ưu tiên sang châu Á nhằm chấm dứt "những cuộc chiến bất tận" ở Trung Đông trong 2 thập kỷ qua.
Xoay trục sang châu Á
Tổng thống Joe Biden đang xoay trục sang châu Á nhưng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không tuyên bố thẳng thừng như vậy. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã tổ chức lại đội ngũ An ninh Quốc gia ở Trung Đông và châu Á khi giảm quy mô nhân sự ở Trung Đông và tăng cường nhân lực cho đơn vị điều phối chính sách của Mỹ ở một khu vực rộng lớn trải dài từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương.
Động thái chưa từng được ghi nhận này là dấu hiệu gần đây nhất cho thấy chính quyền mới sẽ ưu tiên châu Á trong các sáng kiến về chính sách đối ngoại. Điều này cũng phản ánh sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua cũng như mối lo ngại của các quan chức và nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ về việc Bắc Kinh hành động ngày càng quyết đoán trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.
Theo cơ cấu tổ chức mới, vai trò của điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương Kurt Campbell đang ngày càng gia tăng trong khi người chịu trách nhiệm giám sát khu vực Trung Đông Brett McGurk có vai trò hạn chế hơn, một số cựu quan chức Mỹ và quan chức hiện tại cho hay.
Những thay đổi trên cũng thay đổi cơ cấu tổ chức của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Obama, khi mà các quan chức giám sát khu vực Trung Đông có số lượng và vai trò lớn hơn so với hiện nay trong khi nhân sự chịu trách nhiệm về hồ sơ châu Á ở cấp thấp hơn. Trên thực tế, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama tiếp tục bị chi phối bởi những mối đe dọa về an ninh quốc gia và những ưu tiên ở Trung Đông, từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cho tới Thỏa thuận hạt nhân Iran, các cuộc xung đột ở Syria, Libya kéo theo cuộc khủng hoảng nhập cư vào châu Âu.
Tuy nhiên, ông Biden và đội ngũ của ông hiện tin rằng những thách thức an ninh lớn nhất xuất phát từ cái gọi là cuộc cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga, các quan chức an ninh của Mỹ cho hay.
"Những gì chúng ta chứng kiến trong một vài năm qua là Trung Quốc ngày càng độc đoán hơn ở trong nước và quyết đoán hơn trên thế giới. Bắc Kinh hiện đang thách thức an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị của chúng ta một cách nghiêm trọng, đòi hỏi một hướng tiếp cận mới từ Mỹ", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay.
Đội ngũ của ông Biden cũng muốn tránh lún sâu vào một "vũng lầy" nữa ở Trung Đông, đồng thời thúc đẩy quan hệ với các đồng minh quan trọng tại châu Á và châu Âu, vốn từng bị phớt lờ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
"Với sự thay đổi cơ cấu nhân sự trong Hội đồng An ninh Quốc gia, tôi nghĩ họ sẽ quyết đoán hơn khi gắn với những ưu tiên mới thay vì mắc kẹt ở Trung Đông", một cựu quan chức dưới thời cựu Tổng thống Obama cho hay. Quan điểm của ông Sullivan mà theo đó đưa chính sách đối ngoại phục vụ tầng lớp trung lưu Mỹ - cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến những ưu tiên về chính sách đối ngoại trong chính quyền Tổng thống Biden.
"Dịch chuyển các nguồn lực chính sách từ Trung Đông sang châu Á là một sự phản ánh hiệu quả hơn về những thực tế kinh tế của nước Mỹ", Karim Sadjadpour, một chuyên gia về Trung Đông tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đánh giá.
"Chính sách châu Á liên quan trực tiếp đến các nông dân, doanh nghiệp và các công ty công nghệ Mỹ, điều mà không xảy ra với Trung Đông. Sau 2 thập kỷ sa lầy ở Iraq và Afghanistan, hầu như có rất ít sự ủng hộ từ lưỡng đảng để tiếp tục các chính sách như vậy tại Trung Đông", chuyên gia Sadjadpour cho hay.
Thay đổi căn bản từ những vị trí trụ cột
Những ưu tiên mới đã thể hiện rõ trong cách tiếp cận của chính quyền ông Biden với những đồng minh chủ chốt của Mỹ tại châu Âu và châu Á. Những cuộc điện đàm đầu tiên của ông Sullivan, 1 ngày sau khi ông Biden nhậm chức, là với những người đồng cấp ở Pháp, Đức, Anh và Nhật Bản. Ông Sullivan cũng đã có cuộc trao đổi với cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc. Những cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Biden là với các nhà lãnh đạo Canada, Mexico và Anh. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này.
Trong khi ông Sullivan đã trao đổi với những người đồng cấp ở Afghanistan và Israel thì ông Biden vẫn chưa tiếp xúc với các nhà lãnh đạo của các quốc gia này.
Hiện nay, hồ sơ Trung Đông do ông McGurk và một giám đốc cấp cao dưới quyền ông là Barbara Leaf phụ trách. Tuy nhiên, đối với những vấn đề liên quan đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, ngoài ông Campbell còn có 3 giám đốc cấp cao phụ trách, trong đó, Laura Rosenberger phụ trách các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Sumona Guha phụ trách khu vực Nam Á và Andrea Kendall-Taylor phụ trách các vấn đề liên quan đến Nga và Trung Á. Trước đây, trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Obama, hồ sơ Trung Quốc không có quan chức nào ở cấp "giám đốc cấp cao" phụ trách và các vấn đề liên quan đến châu Á không có người điều phối bao quát, một cựu quan chức cho hay.
"Điều này cơ bản là một sự nối tiếp của chính sách xoay trục sang châu Á nhưng có lẽ sẽ không được tuyên bố công khai", một cựu quan chức dưới thời Tổng thống Obama cho hay khi nhắc đến sự mở rộng về nhân sự phụ trách khu vực châu Á trong cơ cấu tổ chức mới của Hội đồng An ninh Quốc gia.
Năm 2011, Tổng thống Obama công khai tuyên bố ông sẽ chỉ đạo đội ngũ an ninh quốc gia "đưa sự hiện diện và các nhiệm vụ của chúng tôi ở châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu" giữa bối cảnh nhà lãnh đạo này cho rằng Mỹ cần tái cân bằng trọng tâm của mình khỏi châu Âu và Trung Đông sau khi bỏ qua việc đối phó với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong một thời gian dài. Sự dịch chuyển được gọi là "xoay trục sang châu Á" này diễn ra sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố rằng Mỹ đang đứng ở "bước ngoặt quan trọng" khi các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đang dần ngã ngũ.
Đáng chú ý, sự dịch chuyển sang khu vực châu Á của nước Mỹ dưới thời ông Biden không chỉ giới hạn ở Hội đồng An ninh Quốc gia. Các chuyên gia châu Á đang được bố trí tại nhiều vị trí trong chính quyền mới, trong đó có cả Bộ Quốc phòng, nơi mà cựu cố vấn của ông Biden là Ely Ratner được phân làm cố vấn cấp cao về Trung Quốc cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Kelly Magsamen, người từng là phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương cho tới năm 2017, được bổ nhiệm làm chánh văn phòng của ông Austin.
Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Austin, người từng là chỉ huy Bộ Chỉ huy Trung tâm, cũng nhận thức rõ rằng chính quyền ông Biden muốn dịch chuyển trọng tâm của Lầu Năm Góc về phương đông.
"Trên toàn cầu, tôi hiểu châu Á sẽ phải là trọng tâm trong nỗ lực của chúng tôi. Trung Quốc đại diện cho mối đe dọa đáng kể nhất bởi nước này đang trỗi dậy", ông Austin nhận định.
Một trong những động thái đầu tiên của ông Austin khi nhận nhiệm vụ mới là bổ nhiệm 3 cố vấn đặc biệt về những vấn đề quan trọng như: Trung Quốc, đại dịch Covid-19 và khí hậu. Đáng chú ý là khu vực Trung Đông không hề được đề cập.
Tại Bộ Ngoại giao, chuyên gia về châu Á - Thái Bình Dương Mira Rapp-Hooper đã được bổ nhiệm là cố vấn cấp cao về Trung Quốc trong Đội ngũ ra chính sách và Jeffrey Prescott, người từng là phó cố vấn an ninh quốc gia cũng như là cố vấn cấp cao về châu Á khi ông Biden còn là Phó Tổng thống, đã được bổ nhiệm là phó đại sứ tại Liên Hợp Quốc.
Việc nhấn mạnh trọng tâm vào châu Á được đưa ra sau khi chiến dịch tranh cử năm 2020 của cả ông Trump và ông Biden đều tập trung vào Trung Quốc và khẳng định sẽ cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
"Trung Quốc đại diện cho một thách thức đặc biệt. Tôi đã dành nhiều giờ với các nhà lãnh đạo của nước này và tôi hiểu những điều mà chúng ta sẽ phải đối phó", ông Biden nhận định trong một bài bình luận trên tạp chí Foreign Policy vào năm ngoái.
Dù vậy, Tổng thống Georgia W.Bush và Tổng thống Barack Obama đều không tính trước được việc chiến tranh Iraq hay Mùa xuân Arab sẽ xảy ra khi họ vạch ra những ưu tiên về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu.
"Mỗi chính sách đối ngoại đều bắt đầu bằng việc xoay trục sang châu Á nhưng rồi lại kết thúc bằng những ngổn ngang ở Trung Đông. Bạn không hứng thú với chiến tranh nhưng chiến tranh khiến bạn phải để tâm tới nó. Do đó, tôi không bất ngờ về cách thức họ bắt đầu chương trình nghị sự của mình nhưng sau đó mọi thứ rõ ràng đều không thể đoán trước được", một chuyên gia về chính sách đối ngoại bình luận.