Anh rơi vào tình trạng khủng hoảng y tế trầm trọng nhất từ trước đến nay

16:21, 11/11/2022

Hàng triệu bệnh nhân tại Anh đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động của Cơ quan Y tế Anh (NHS).

Anh đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động NHS. (Ảnh: Reuters)
Anh đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động NHS. (Ảnh: Reuters)

Tháng 10/2022 được ghi nhận là tháng tồi tệ nhất của NHS trên hầu hết các chỉ số thống kê, bao gồm số lần chờ đợi dịch vụ cấp cứu, khám chữa khẩn cấp (A&E), chăm sóc ung thư và phẫu thuật thông thường. Hiện có 7,1 triệu bệnh nhân tại Anh nằm trong danh sách chờ đợi để được điều trị tại bệnh viện, tăng từ 4,4 triệu bệnh nhân trước đại dịch COVID-19.

Số lượng người chờ đợi các dịch vụ y tế thông thường, như chụp MRI và phẫu thuật đục thủy tinh thể, hiện không có dấu hiệu chậm lại và thậm chí tăng mạnh hơn. Khoảng 401.537 bệnh nhân đang phải chờ đợi hơn một năm để được điều trị và họ thường xuyên phải chịu tình trạng đau đớn do không được tiếp cận dịch vụ y tế.

Tình trạng khủng hoảng cũng xảy ra đối với cả dịch vụ y tế khẩn cấp, gồm dịch vụ cấp cứu và điều trị khẩn cấp, có tới 69% bệnh nhân yêu cầu dịch vụ khẩn cấp trong tháng 10/2022 phải chờ đợi lâu hơn so với thông thường khoảng 4 giờ đồng hồ, con số được cho là tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Một kỷ lục khủng hoảng khác cũng được ghi nhận đối với dịch vụ y tế khẩn cấp là có 43.792 bệnh nhân đã phải chờ đợi ít nhất 12 giờ để được điều trị kịp thời. Nhiều bệnh nhân phải ngồi chờ trên xe đẩy thay vì được cấp cứu trên giường bệnh. Các bệnh nhân đau tim và đột quỵ cũng phải đợi xe cấp cứu trung bình lâu hơn 1 giờ so với thời gian phản ứng được coi là cần thiết để cứu sống, dẫn đến hệ quả một số người đã tử vong khi được cấp cứu.

Các lãnh đạo của NHS lý giải tình trạng hoạt động tồi tệ hiện nay là do NHS cùng lúc phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng, gồm dịch Covid-19, dịch cúm mùa và áp lực đối với các dịch vụ khẩn cấp. Tháng 10 vừa qua được cho là tháng cao điểm nhất về số bệnh nhân phải sử dụng dịch vụ y tế khẩn cấp, ở mức 2,1 triệu bệnh nhân.

Khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc cơ bản, kịp thời của dịch vụ y tế ngày càng suy giảm cũng làm dấy lên các cuộc tranh luận trong nội bộ Chính phủ Anh về việc có cấp thêm kinh phí cho NHS hay không khi cơ quan này đang đối mặt khả năng thiếu ngân sách khoảng 7 tỷ bảng Anh vào năm tới.

Khi Anh đang bước vào giai đoạn mùa đông, thời gian chờ đợi dự kiến được cho là sẽ trở nên tồi tệ hơn, khi có tới một triệu nhân viên NHS bao gồm cả y tá chuẩn bị tiến hành một đợt đình công chưa từng có trong lịch sử NHS đòi cải thiện điều kiện làm việc và tăng lương khi lạm phát tăng cao.

Giáo sư Sir Stephen Powis, Giám đốc Y tế của NHS vùng England, cho biết: “Tháng 10 là một tháng đầy thử thách đối với các nhân viên hiện đang phải đối mặt với dịch COVID-19, cúm mùa và áp lực kỷ lục đối với các dịch vụ khẩn cấp, khi nhiều người bệnh cần đến dịch vụ y tế khẩn cấp hơn so với các năm trước”.

Chính phủ Anh và NHS đã đặt mục tiêu loại bỏ tất cả các trường hợp chờ đợi từ 1 năm trở lên vào tháng 3/2025 nhưng nhiều nhà lãnh đạo y tế nói rằng sẽ không thể thực hiện được điều này nếu không xúc tiến tuyển dụng 132.000 vị trí hiện đang thiếu hụt.

Ngoài ra, Anh đang phải chứng kiến một sự gia tăng đáng báo động về thời gian chờ đợi dịch vụ y tế khẩn cấp trong 12 giờ. Theo đó, 43.792 bệnh nhân đã chờ đợi lâu hơn trong tháng 10, tăng 34% so với tháng 9; thời gian phản ứng trung bình của xe cấp cứu đối với các trường hợp khẩn cấp loại 2 như đột quỵ và đau tim là 61 phút - lâu hơn thời gian thông thường là 18 phút. Trong tháng 10, hơn 32.000 người gọi đến với các trường hợp khẩn cấp bao gồm cả nghi ngờ đột quỵ đã phải đợi xe cấp cứu đến 2 giờ.

Khủng hoảng cũng ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư tại Anh. Theo đó, tỷ lệ bệnh nhân ung thư đến gặp bác sĩ chuyên khoa trong vòng 2 tuần sau khi được bác sĩ gia đình giới thiệu khẩn cấp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Ông Michelle Mitchell, Giám đốc điều hành của tổ chức Cancer Research UK, nhấn mạnh tình trạng bệnh nhân ung thư "phải đối mặt với thời gian chờ đợi chẩn đoán và điều trị lâu không thể chấp nhận được trong thời gian họ vốn đã vô cùng lo lắng”.

Giáo sư Pat Price, người đồng sáng lập Chiến dịch #CatchUpWithCancer, cảnh báo "thảm họa ung thư ngày càng trầm trọng" khi các dịch vụ y tế đang ở mức quá tải. Chỉ trong 3 tháng, hơn 17.000 bệnh nhân ung thư đã bỏ lỡ mục tiêu điều trị ung thư cứu sống. Giáo sư Pat Price nhấn mạnh "đây là những con số tồi tệ nhất được ghi nhận”.

Theo TTXVN