Thái Nguyên là địa phương có diện tích chiếm phần lớn trong lưu vực sông Cầu. Trong quá trình khai thác nguồn tài nguyên phát triển kinh tế, lưu vực sông Cầu ngày càng bị ô nhiễm. Do vậy, cùng với khai tác nguồn tài nguyên nước, thời gian qua, Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, chất lượng nước sông Cầu cũng có xu hướng cải thiện rõ rệt.
Người dân xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước sông Cầu trong thâm canh rau màu để nâng cao thu nhập. Ảnh: Mạnh Hùng |
Xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) có một số xóm nằm dọc sông Cầu với chiều dài trên 5km. Khai thác lợi thế đất bãi ven sông, nhân dân các xóm: Già, Sộp, Cậy, Bầu, Trám, Huống Trung tập trung thâm canh rau màu theo mùa vụ với diện tích khoảng 145ha.
Trước đây, đời sống của người dân xóm Già rất khó khăn. Trăn trở với mục tiêu nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất của quê hương, Chi bộ xóm đã xây dựng các nghị quyết tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới.
Bà Phạm Thị Toan, Bí thư Chi bộ xóm Già, phấn khởi nói: Phát huy lợi thế nguồn nước tưới từ sông Cầu luôn dồi dào, Chi bộ đã ban hành nghị quyết về xây dựng vùng sản xuất rau xanh an toàn. Cùng với đó, xóm tập trung xây dựng cánh đồng một giống, thuận lợi trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khâu thu hoạch. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân trong xóm ngày càng được nâng cao, số hộ nghèo giảm hằng năm đều vượt chỉ tiêu, số hộ có đời sống khá giả được nâng lên.
Đúng như khẳng định của bà Toan, đi dọc cánh đồng xóm Già, chúng tôi nhận thấy bà con nhân dân trồng rau màu mùa nào thức ấy. Đặc biệt, trong sản xuất, bà con luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm BVMT nguồn nước sông Cầu. Các vỏ lọ chế phẩm sinh học, túi ni lông sau khi sử dụng đều được tập kết ra các bể chứa rác thải để xử lý.
Ông Đoàn Bá Thu, Chủ tịch UBND xã Huống Thượng, cho biết: Năm 2017, sau khi chuyển địa giới về TP. Thái Nguyên, xã đã thực hiện phân loại rác thải ngay tại nguồn. Nếu như trước đây, bà con nông dân tự thu gom rác rồi đốt, thậm chí sau khi phun thuốc trừ sâu, bón phân cho cây trồng, bà con bỏ túi ni lông, các chai, lọ dọc bãi soi, mưa xuống trôi ra sông Cầu thì nhiều năm nay không còn tình trạng trên. Xã đã quy hoạch xây dựng các bể chứa rác thải tại các soi bãi dọc sông Cầu và những khu ruộng, tổ chức thu gom rác thải hằng ngày.
Nhân dân xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), khai thác tiềm năng đất đai soi bãi sông Cầu để thâm canh rau màu. |
Không riêng ở Huống Thượng, tại các xã, phường khác thuộc lưu vực sông Cầu như: Cao Ngạn, Linh Sơn, Quang Vinh… người dân đã nêu cao ý thức trong việc khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên nước sông Cầu.
Thượng nguồn sông Cầu chảy qua tỉnh Bắc Kạn dài 105 km và chảy qua Thái Nguyên với chiều dài khoảng 100km. Lưu vực sông Cầu đang phải đối mặt với thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Để cải thiện nguồn nước sông Cầu, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hiệu quả “Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”.
Theo đó, thực hiện Luật BVMT, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường quản lý nguồn thải, trọng tâm là các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, các nhà máy, cơ sở sản xuất, làng nghề, trang trại, gia trại…
Đặc biệt, để kiểm soát chất lượng nước sông Cầu, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch BVMT của Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải đổ ra sông Cầu, xử lý nghiêm các hành vi xả thải trái phép ra môi trường.
TP. Thái Nguyên tổ chức thu gom nước thải từ các khu dân cư vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đặc biệt, năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai công tác cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên thực địa, dự kiến hoàn thành trong năm 2025 để bàn giao cho các địa phương quản lý, bảo vệ.
Để quản lý chất lượng nước, Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND tỉnh giao quan lý vận hành mạng lưới gồm 77 điểm quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, 5 điểm quan trắc tự động môi trường nước mặt, 12 điểm quan trắc chất lượng môi trường nước dưới đất.
Người dân xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), tận dụng đất soi bãi và nguồn nước sông Cầu để thâm canh rau màu. Ảnh: Mạnh Hùng |
Theo kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước sông Cầu, nếu như năm 2021 có tới 8% lượng mẫu không đạt chất lượng phục vụ mục đích tưới tiêu thì năm 2023 chất lượng nước đều đảm bảo cho mục đích tưới tiêu trở lên, trong đó có 42% đạt mục đích cấp nước sinh hoạt với công nghệ xử lý phù hợp.
Có thể nói, nguồn nước sông Cầu có vai trò đặc biệt quan trọng phục vụ đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên và 5 tỉnh trong lưu vực. Vì vậy, công tác BVMT lưu vực sông Cầu là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách đối với các địa phương thuộc lưu vực sông Cầu.
Để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Cầu, song song với các giải pháp như hiện nay cần xây dựng hệ thống thông tin, mạng lưới giám sát và mô hình ngân hàng dữ liệu chất lượng nước; thực hiện xã hội hóa công tác BVMT, đặc biệt là môi trường nước…
Lưu vực sông Cầu có diện tích khoảng 6.030km², với chiều dài 290km. Dòng chính sông Cầu, đoạn từ Bắc Kạn về Thái Nguyên có hướng chảy Bắc - Nam, sau đó đổi hướng Tây Bắc - Đông Nam. Sông chảy qua Chợ Đồn, Chợ Mới - Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh và đổ vào sông Thái Bình tại Phả Lại, thuộc tỉnh Hải Dương. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin