Tại Olympic Paris 2024 vừa qua, xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã có hai lần giành quyền vào chung kết ở nội dung thi đấu môn bắn súng. Đây là thành tích tốt nhất của thể thao Việt Nam tại kỳ Thế vận hội này.
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh tại một giải đấu quốc tế. (Ảnh VSF) |
Trước đó, bắn súng nước ta từng có một Huy chương vàng (HCV) phá kỷ lục Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio 2016 và một số thành tích ở các đại hội, giải đấu quốc tế khác. Qua đó, có thể khẳng định, bắn súng là một trong số ít môn thể thao Việt Nam có khả năng tranh huy chương tại đấu trường đỉnh cao thế giới.
Trong số các vận động viên (VĐV) giành quyền dự Olympic Paris 2024, Trịnh Thu Vinh là VĐV duy nhất tiệm cận huy chương khi đứng thứ tư ở nội dung 10m súng hơi nữ và thứ bảy ở nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ khi phải đua tranh với các đối thủ rất mạnh.
Thu Vinh sinh năm 2000, đang ở độ tuổi sung sức của môn thể thao đòi hỏi sự tập trung cao độ và bản lĩnh vững vàng. Khi Hoàng Xuân Vinh giành HCV tại Olympic Rio 2016, anh đã ngoài 40 tuổi, cũng vì thế, giới chuyên môn và người hâm mộ đều kỳ vọng, ở độ tuổi 24, Thu Vinh sẽ tiếp tục được đầu tư trọng điểm để có thể tỏa sáng tại kỳ Olympic năm 2028.
Thành tích của Trịnh Thu Vinh tại Olympic Paris 2024 cho thấy sự tiến bộ rất lớn của nữ xạ thủ này bởi Vinh chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Trước đó, thành tích tốt nhất của Thu Vinh là vô địch châu Á (năm 2022) và hạng năm tại Giải vô địch bắn súng thế giới 2023 (qua đó giành vé dự Olympic Paris 2024).
Đầu tháng 5 vừa qua, Trịnh Thu Vinh thi đấu tại Giải ISSF World Cup 2024 tại Baku (Azerbaijan) nhưng chỉ xếp hạng 10 chung cuộc nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ. Thế nhưng, đến Olympic Paris 2024, chỉ sau khoảng hai tháng được tập huấn tại Hàn Quốc cùng chuyên gia Park Chung-gun và thi đấu một số giải quốc tế, Thu Vinh đã tiến bộ vượt bậc.
Thực tế quá trình thi đấu và thành tích của nữ xạ thủ nước ta thể hiện con đường tất yếu để tiến đến đấu trường Olympic là phải được tập huấn, cọ xát với các xạ thủ hàng đầu thế giới để hoàn thiện kỹ thuật, chiến thuật, tích lũy kinh nghiệm thi đấu. Vốn là một VĐV điền kinh không thành công và chuyển sang tập luyện môn bắn súng, Thu Vinh không ít lần thể hiện sự thiếu ổn định trong tâm lý thi đấu, thiếu sự tự tin, vì thế, đã đến lúc cần phải bố trí cả chuyên gia tâm lý để VĐV này có được tâm lý vững vàng hơn.
Sau kỳ Olympic thứ hai liên tiếp “trắng tay” của thể thao Việt Nam, chúng ta mới thấy việc đầu tư cho bắn súng chuyên nghiệp đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và đang bộc lộ nhiều bất cập.
Cụ thể, môn bắn súng mỗi năm được cấp từ ngân sách khoảng hơn ba tỷ đồng, song nhu cầu thực tế cần từ 10 đến 12 tỷ đồng. Theo xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người duy nhất giành HCV cho thể thao Việt Nam tại Olympic, để nâng cao thành tích, các xạ thủ Việt Nam cần được đầu tư từ trang thiết bị, trường bắn hiện đại, liên tục được cọ xát, tập huấn, thi đấu quốc tế... để tích lũy kinh nghiệm và quen với việc đương đầu cùng những VĐV đẳng cấp thế giới. Trong khi đó, các VĐV của Việt Nam thậm chí còn thiếu cả đạn để tập bắn thì rất khó nâng cao thành tích.
Hiện nay, đội tuyển bắn súng Việt Nam có một số VĐV nam đang nổi lên như: Phạm Quang Huy (vô địch ASIAD 19), Lại Công Minh, Phan Công Minh. Về nữ, bên cạnh Trịnh Thu Vinh có Mộng Tuyền (là tay súng nữ thứ hai giành suất chính thức dự Olympic môn bắn súng) và Phí Thanh Thảo..., nhưng những VĐV này đã và đang chưa được đầu tư xứng tầm để vươn lên và đoạt thành tích cao tại Olympic.
Bộ môn bắn súng nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung đang cần sự đầu tư cao hơn từ ngân sách vì Liên đoàn Bắn súng Việt Nam và nhiều liên đoàn thể thao khác chưa đủ kinh phí để hỗ trợ những khoản đầu tư lớn này. Các chuyên gia thể thao Việt Nam đều nhìn nhận việc thiếu kinh phí để tập huấn và thi đấu quốc tế là khó khăn nhất của bắn súng Việt Nam, cho dù chúng ta đã có được những chuyên gia giỏi như ông Park Chung-gun (Hàn Quốc).
Để có thêm ngân sách đầu tư cho thể thao thành tích cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần thúc đẩy việc bổ sung, sửa đổi những quy định pháp lý để từ đó ngành tài chính mới có căn cứ để triển khai. Do hạn chế bởi các quy định pháp lý, Cục Thể dục-Thể thao hiện vẫn tập huấn mỗi năm hàng nghìn VĐV dàn trải trong khoản ngân sách 710 tỷ đồng.
Vì vậy, nếu có thể tăng tiền đầu tư cho các VĐV đỉnh cao thì dù phải cắt giảm đầu tư cho các VĐV ở những môn khác không có trong hệ thống thi đấu Olympic hoặc không hy vọng có thành tích cao, thì mới có thể kỳ vọng bắn súng nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung có hy vọng khởi sắc và vươn tầm thật sự trong tương lai.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin