Tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng đang gia tăng và diễn biến phức tạp, với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác đấu tranh, triệt phá, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa xã hội, giúp người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ tài sản của mình.
Tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng đang gia tăng và diễn biến phức tạp, với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác đấu tranh, triệt phá, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa xã hội, giúp người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ tài sản của mình. |
Nạn nhân tiếp tục “sập bẫy”
Với các thủ đoạn cũ, như: thông báo được nhận quà/trúng thưởng; giả danh cán bộ cơ quan chức năng (công an, viện kiểm sát, tòa án...) nói nạn nhân liên quan đến các vụ án và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra; giả mạo tài khoản hoặc chiếm tài khoản mạng xã hội và nhắn tin đến người thân, người quen của bị hại nhờ chuyển tiền; làm cộng tác viên các sàn thương mại điện tử hưởng hoa hồng; kết bạn làm quen tặng quà…, tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục lừa đảo được nhiều nạn nhân mới.
Trường hợp bà C.T.L., ở xã Phục Linh (Đại Từ) bị lừa đảo qua mạng là một ví dụ. Cuối năm 2023, bà nhận được cuộc gọi, tự xưng là cán bộ công an TP. Hà Nội, thông báo bà vi phạm pháp luật, yêu cầu chuyển tiền đến số tài khoản cơ quan công an phục vụ điều tra, nếu không sẽ bị bắt giữ. Lo lắng, bà L. đã đến ngân hàng chuyển 200 triệu đồng đến tài khoản đối tượng cung cấp. Do sợ người thân trong gia đình biết, nên bà đã giấu, đến khi liên tục bị gọi điện đe dọa, yêu cầu chuyển tiền tiếp, tháng 5-2024, bà mới đến trình báo cơ quan công an.
Ngoài trường hợp trên, còn nhiều nạn nhân, đa số là phụ nữ đã trở thành “con mồi” bị các đối tượng lừa đảo qua mạng nhắm tới. Trong đó, có thủ đoạn đánh vào “lòng tham” để lừa đảo với hình thức mời thực hiện nhiệm vụ nhận hoa hồng trên các sàn thương mại điện tử, tặng quà tri ân hay kêu gọi góp vốn, đầu tư ngoại hối, đầu tư qua sàn giao dịch tiền ảo trên mạng… Hậu quả, người ít mất vài triệu, người nhiều lên tới cả tỷ đồng.
Điển hình trong vụ lừa đảo qua mạng bằng hình thức đầu tư ngoại hối và làm đại lý vé máy bay là trường hợp chị L.T.B.N., sinh năm 1975, ở phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên). Qua mạng xã hội facebook, chị quen một người đàn ông. Đối tượng hướng dẫn chị truy cập đường link: ticketwworld.vip và mời đầu tư 25 triệu đồng và 75 triệu đồng mua một phòng có 30 vé tại ứng dụng, sẽ được 5% và 7% lợi nhuận sau khi bán. Thực hiện thành công hai thao tác chuyển khoản ban đầu, chị N. nhận ngay số tiền hoa hồng như đối tượng đã hứa. Thấy lợi nhuận kiếm dễ, từ ngày 30/3/2024 đến 21/4/2024, chị N. chuyển khoản 9 lần, tổng gần 1,1 tỷ đồng đến tài khoản đối tượng cung cấp, song không nhận được tiền hoa hồng. Cũng trong thời gian này, chị N. theo lời giới thiệu của một người quen trên mạng xã hội khác đã đầu tư ngoại hối để nhận hoa hồng. Chị chuyển khoản 8 lần, tổng số tiền 450 triệu cho đối tượng và sau đó mất liên lạc với chúng. Như vậy, tổng số tiền chị N. bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng lên tới trên 1,5 tỷ đồng.
Nhiều chiêu lừa mới tinh vi
Bên cạnh các phương thức cũ, tội phạm công nghệ cao đã dùng nhiều thủ đoạn mới, tìm kiếm thu thập thông tin cá nhân, các mối quan hệ của nạn nhân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Một thủ đoạn vô cùng tinh vi thời gian gần đây là lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), nên đã giả danh công an gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu cài đặt ứng dụng giả mạo. Sau đó, đối tượng đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản trong tài khoản của nạn nhân. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hàng chục trường hợp bị lừa đảo bằng thức này.
Tháng 2-2024, chị L.T.Y., sinh năm 1985, công nhân Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG nhận được điện thoại của một nam giới tự xưng là cán bộ Công an xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên) nơi chị sinh sống về việc định danh điện tử mức độ 2 của chị bị lỗi phải cài lại. Tin tưởng, chị đã tải ứng dụng “CỔNG DỊCH VỤ CÔNG BỘ CÔNG AN” như đối tượng hướng dẫn về điện thoại, đồng bộ tài khoản ngân hàng vào ứng dụng. Nào ngờ vài phút sau, chị phát hiện toàn bộ 125 triệu đồng trong các tài khoản ngân hàng của mình bị mất.
Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) tuyên truyền về phòng ngừa lừa đảo trên không gian mạng cho cán bộ, công nhân viên, người lao động Công ty TNHH Một thành viên xi măng Quang Sơn (Đồng Hỷ). |
Ngoài thủ đoạn trên, các đối tượng còn lừa đảo thông qua việc tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá, mua bán số lô, số đề, mua bán, chia sẻ giả mạo thông tin cá nhân tổ chức, thông tin sai sự thật với nhiều đường dây phạm tội hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia... Nhiều đối tượng còn lập nên các nick giả để “lừa tình”, gạ gẫm nạn nhân gửi những hình ảnh, video “nhạy cảm”, rồi dùng chính những hình ảnh đó để tống tiền.
Không riêng phụ nữ, nạn nhân mà tội phạm công nghệ cao nhắm tới ở đủ các tầng lớp và lứa tuổi, vùng miền. Mỗi nhóm người, chúng sử dụng các chiêu thức phù hợp để lừa bịp, hòng chiếm đoạt tài sản. Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng công an trong tỉnh đã tiếp nhận hàng chục vụ việc lừa đảo qua mạng, với số tiền các nạn nhân bị lừa lên tới hàng chục tỷ đồng. Chưa kể, một số trường hợp vì nhiều lý do không đến cơ quan công an trình báo.
Để không trở thành “con mồi”
Trước tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, thời gian qua, lực lượng công an tỉnh đã tích cực, chủ động đấu tranh với loại tội phạm này. Theo số liệu Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cung cấp: Liên quan đến tội phạm công nghệ cao, từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã khởi tố hình sự, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 5 vụ án, liên quan đến 12 đối tượng. Đồng thời, tiếp nhận tin ban đầu và làm rõ 9 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông…, chuyển cho cơ quan khác điều tra theo thẩm quyền.
Nổi bật là Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao triệt phá đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, lô đề; đấu tranh làm rõ hành vi của 8 đối tượng về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc (tổng số tiền các đối tượng giao dịch đánh bạc khoảng 60 tỷ đồng). Đơn vị cũng tiến hành truy xét và làm rõ đối tượng có hành vi tấn công hệ thống dữ liệu camera, thu thập trái phép các video khách hàng và uy hiếp một công ty làm đẹp trên địa bàn TP. Thái Nguyên nhằm mục đích cưỡng đoạt đoạt sản…
Khởi tố nhóm đối tượng giả danh sàn thương mại điện tử để lừa đảo Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cao Bằng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Tuyết Dâng (sinh năm 1990), trú tại tổ 11, phường Đề Thám (TP. Cao Bằng) là người điều hành nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo trên không gian mạng tại tỉnh Cao Bằng và Thái Nguyên. Ngoài đối tượng Dâng, trong số 11 bị can bị khởi tố về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông trong vụ án này có 9 bị can người Thái Nguyên. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh nhân viên sàn thương mại điện tử Shopee tri ân để gọi điện, mời khách hàng kết bạn zalo và hướng dẫn thực hiện các giao dịch, sau đó lừa để chiếm đoạt tiền. Trung bình một ngày, các đối tượng gọi từ 1.500- 2.000 cuộc điện thoại cho khách hàng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. |
Thực tế, hoạt động của tội phạm công nghệ cao ngày càng chuyên nghiệp, có tổ chức chặt chẽ. Các đối tượng đứng đầu thường ở nước ngoài, nên khó khăn cho lực lượng chức năng điều tra, triệt phá. Qua các vụ việc cho thấy, những nạn nhân bị lừa thường là người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết và có lòng tham. Để không bị lừa đảo qua mạng, quan trọng nhất vẫn là người dân cần nâng cao nhận thức phòng ngừa. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này.
Đại úy Lê Hoàng Hà, Đội phó Đội Tham mưu, Công an TP. Thái Nguyên cho biết: Là địa bàn xảy ra nhiều vụ lừa đảo công nghệ cao trong tỉnh, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Phát tờ rơi, tổ chức tuyên truyền ở các trường học, địa phương, khu nhà trọ, thông qua các nhóm zalo tổ dân phố, mạng xã hội facebook, phối hợp với các ngân hàng in biển cảnh báo người dân...
Còn Thượng tá Bùi Viết Phú, Phó Trưởng Công an huyện Đại Từ thông tin: Từ năm 2023 đến nay, đơn vị tiếp nhận 19 tin báo liên quan đến lừa đảo qua mạng, với tổng số tiền bị lừa 6 tỷ đồng. Trước thực trạng đó, Công an huyện Đại Từ đã đẩy mạnh tuyên truyền, có văn bản thông báo về cách thức lừa đảo của bọn tội phạm, giúp người dân nhận biết các thủ đoạn để phòng tránh.
Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân cũng cần trang bị cho mình kiến thức, biết cách nhận diện các hình thức lừa đảo bằng công nghệ cao. Từ đó nâng cao cảnh giác, không để mình trở thành “con mồi” cho bọn lừa đảo bằng công nghệ cao trục lợi…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin