Ngành Ngân hàng chung tay đẩy lùi "tín dụng đen"

X.A 19:09, 21/07/2024

Khó khăn về tài chính khiến không ít người tìm đến "tín dụng đen" để giải quyết nhu cầu cấp bách trước mắt, mà không thông qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính được Nhà nước cấp phép. Với hình thức này, người đi vay có thể gặp nhiều rủi ro bởi mức lãi suất rất cao và các hình thức đòi nợ kiểu "khủng bố" nếu chậm trả. Việc đẩy lùi tín dụng đen rất cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp…

Khu vực giao dịch của VietinBank - Chi nhánh Thái Nguyên.
Khu vực giao dịch của VietinBank - Chi nhánh Thái Nguyên.

Chị P.T.N. ở phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), người đã từng dính “bẫy” tín dụng đen, chia sẻ: Do cần gấp khoản tiền 10 triệu đồng để giải quyết việc gia đình, cuối năm 2023, tôi đã đến một hiệu cầm đồ trên địa bàn TP. Thái Nguyên cầm thẻ lương. Sau 15 ngày đến hạn nhưng chưa đủ tiền trả, hiệu cầm đồ cho tôi vay tiếp khoản tiền mới để trả cho món nợ cũ. Cứ như vậy sau nhiều lần vay mới trả cũ, tổng số tiền tôi phải trả đã lên đến 14 triệu đồng. Lo lắng kéo dài tình trạng này món nợ sẽ không biết lên đến bao nhiêu nên tôi đã vay họ hàng, bạn bè mỗi người một ít trả đứt điểm khoản vay đó.

Chị N. chỉ là một trong nhiều trường hợp vướng vào tín dụng đen trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Mặc dù lực lượng chức năng đã quyết liệt đấu tranh, nhưng hoạt động tín dụng đen vẫn diễn ra. Mới đây nhất, tháng 1-2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã bắt giữ 2 nhóm (gồm 7 đối tượng) có hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Nhóm thứ nhất gồm 4 đối tượng, cùng trú tại huyện Phú Bình, hoạt động kinh doanh tại cơ sở cầm đồ trá hình có tên “Hải Tín Phát” tại xã Nga My (Phú Bình). Cơ quan Công an xác định các đối tượng này hoạt động cho vay lãi nặng từ năm 2021, số tiền đã cho vay khoảng 14,5 tỷ đồng, lãi suất tương đương từ 109,5%/năm đến 182,5%/năm.

Nhóm thứ hai gồm 3 đối tượng cũng trú tại huyện Phú Bình, hoạt động cho vay lãi nặng theo phương thức “tín chấp” và “thế chấp” từ năm 2020, với mức lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tương đương từ 109,5%/năm đến 182,5%/năm. Tổng số tiền đã cho vay khoảng 19 tỷ đồng.

Tín dụng đen là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định. Bản chất của tín dụng đen là giao dịch vay, mượn (ngầm), thủ tục đơn giản, lãi suất cao, không tuân thủ đúng quy tắc tín dụng và sự kiểm soát của Nhà nước. Khi phát sinh mâu thuẫn trong quan hệ vay mượn thì đối tượng cho vay thường dùng các biện pháp trái pháp luật, thực hiện các hành vi phạm tội để đòi nợ hoặc thuê đòi nợ, siết nợ.

Nhằm hạn chế tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã tăng cường khả năng tiếp cận vốn đối với người dân bằng nhiều biện pháp. Tính đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ qua thẻ tín dụng của toàn hệ thống trên địa bàn tỉnh là 14.506 tỷ đồng, tăng 2.261 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc VietinBank Thái Nguyên - một trong những đơn vị tích cực cho vay tiêu dùng, cho biết: Doanh số cho vay tiêu dùng của VietinBank đến thời điểm này là 561 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, bao gồm cho vay mua nhà, xây sửa nhà; cho vay mua sắm nội thất; mua xe, mua đất. Nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng nhận lương qua tài khoản được tiếp cận vốn, VietinBank đưa ra nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng. Vietinbank đang triển khai 3 sản phẩm cho vay tiêu dùng: Gói vay tiêu dùng dành cho cán bộ, công nhân viên đang làm việc trong các cơ quan quản lý có mở tài khoản lương tại VietinBank (khách hàng không nhận lương qua VietinBank có thỏa thuận liên kết với ngân hàng). Cho vay phát hành thẻ tài chính cá nhân Ngân hàng VietinBank và thẻ thấu chi (dành cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại các đơn vị, tổ chức có trả lương qua VietinBank hoặc khách hàng ưu tiên của Ngân hàng). Các sản phẩm này không cần thế chấp tài sản, thời hạn cho vay lên đến 60 tháng, thủ tục vay đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng.

Không chỉ VietinBank, các ngân hàng thương mại cổ phần như: Vietcombank, Agribank, BIDV cũng rất nỗ lực khơi thông nguồn vốn tiêu dùng đáp ứng nhu cầu của người dân. Đại diện các ngân hàng đều khẳng định sẽ tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận vốn trong khuôn khổ pháp luật.

Bà Nguyễn Khuê Chính, Phó Giám đốc BIDV - Chi nhánh Thái Nguyên, cho biết: Chúng tôi luôn ưu tiên lĩnh vực cho vay tiêu dùng và tạo mọi điều kiện để khách hàng tiếp cận nguồn vốn. Chỉ cần khách hàng có nhu cầu vay vốn đáp ứng các điều kiện, cán bộ ngân hàng sẽ hướng dẫn hoàn thiện thủ tục trong thời gian sớm nhất. 

Tuy nhiên trên thực tế, để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cần nỗ lực từ cả hai phía người vay và người cho vay. Phía các tổ chức tín dụng phải làm tốt hơn nữa cả về thủ tục lẫn lãi suất vay và phía người vay, cần xác định rõ nghĩa vụ “vay là phải trả”. Ngoài ra, cũng cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.

Việc kiểm soát lãi vay với việc áp dụng lãi suất trần các khoản vay tiêu dùng sẽ giúp hạn chế rủi ro tín dụng tiêu dùng, đồng thời trần lãi suất cho vay tiêu dùng cũng bảo vệ quyền lợi của bên đi vay. Cùng với đó là phải nâng cao nhận thức của người dân về tín dụng đen bằng tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền đến những người yếu thế - đối tượng dễ bị dính vào hoạt động tín dụng đen.

Không chỉ tuyên truyền về hậu quả của tín dụng đen đối với người dân, xã hội, mà còn phải tuyên truyền về chính sách của Nhà nước về vay vốn, như: Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; chính sách hỗ trợ công nhân trong các trường hợp rủi ro, bệnh tật, trường hợp khẩn cấp… để họ không phải tìm đến tín dụng đen.



Blog creditcard.com.vn chia sẻ kiến thức về thẻ tín dụngLiên kết ví điện tử VPBank NEOHướng dẫn cách chuyển tiền atm Mở thẻ tín dụng không chứng minh thu nhập bằng cách gì