Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, xã cây Thị (Đồng Hỷ) đóng vai trò là cơ sở cách mạng “trạm giao liên”, nhân dân nơi đây đã chung sức làm tốt nhiệm vụ dẫn đường, nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ... Tiếp nối truyền thống, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Cây Thị vẫn luôn đoàn kết, nỗ lực vượt khó xây dựng quê hương.
Xưởng chế biến lâm sản của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hòa An (xóm Cây Thị) đang tạo việc làm cho 16 lao động địa phương. |
Những trang sử vàng
Xã Cây Thị có địa hình chủ yếu là rừng núi, trước kia không có đường lớn nên kẻ địch ít chú ý, tạo thuận lợi cho cán bộ của Đảng đến hoạt động, tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Từ năm 1940, Đảng đã xây dựng cơ sở cách mạng ở Cây Thị, thành lập Đội tự vệ xã với nhiệm vụ bảo vệ, đưa đón cán bộ cách mạng, tạo con đường liên lạc từ Xứ ủy Bắc Kỳ lên căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai.
Đầu năm 1941, các đồng chí Trường Chinh (Tổng Bí thư Trung ương Đảng) và Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt (Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng) đi họp Hội nghị Trung ương VIII tại Pác Bó (Cao Bằng), trên đường về đến Bắc Sơn - Võ Nhai thì bị quân địch truy lùng ráo riết. Trạm giao liên Cây Thị cùng các cơ sở cách mạng đã khôn khéo, dũng cảm bảo vệ các đồng chí thoát khỏi vòng vây của kẻ thù và về xuôi an toàn... Đây là cống hiến to lớn của đồng bào các dân tộc ở xã Cây Thị đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Kể từ đó cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cơ sở cách mạng xã Cây Thị đã dẫn đường và bảo vệ an toàn cho hàng trăm lượt cán bộ của Trung ương Đảng, của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trạm liên lạc xã Cây Thị cũng đã chuyển nhiều tài liệu, báo cáo quan trọng của Trung ương đến căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và ngược lại.
Các tuyến đường trục xóm ở xã Cây Thị được đổ bê tông rộng rãi, thuận tiện cho giao thông, giao thương. |
Tiếp bước cha anh
Trải qua hàng chục năm xây dựng và phát triển, diện mạo xã Cây Thị đã có nhiều đổi thay, đời sống của người dân khấm khá hơn nhiều. Nếu như trước Cách mạng Tháng Tám, xã có 3 xóm (Cây Thị, Suối Găng và Hoan) với số dân vài trăm người, thì nay có 7 xóm với trên 3.900 người. Đó là những chia sẻ của ông Bàn Văn Long (sinh năm 1954), Trưởng xóm Cây Thị 25 năm (1996-2021), là cháu nội của ông Bàn Phú Lý (thuộc 1 trong 8 gia đình được nhận Bằng có công với nước).
Ông Long bùi ngùi: Thuở nhỏ, qua những câu chuyện kể của ông nội, tôi đã hiểu về tội ác của quân Pháp và những công lao, đóng góp, sự hy sinh của đồng bào ta. Vì vậy, tôi cũng như bao người dân trong xóm, được sống trong thời bình luôn bảo nhau tích cực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương... Đến nay, 100% trục đường chính trong xóm đã được đổ bê tông, nhà văn hóa được xây dựng khang trang...
Xóm Cây Thị hiện có 180 hộ thì chỉ còn 10 hộ nghèo. Nhiều hộ dân đã biết khai thác lợi thế từ rừng và mở được 11 xưởng bóc, gỗ dăm (nhiều nhất xã), tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương như: Xưởng của gia đình anh Nguyễn Văn Khánh (16 lao động), anh Dương Tiến Hùng (6 lao động); Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hòa An (16 lao động)...
Không riêng xóm Cây Thị, người dân tại 6 xóm còn lại cũng tích cực khai thác lợi thế, phát huy sức mạnh đoàn kết trong phát triển kinh tế gia đình và xây dựng hạ tầng. Hiện, toàn xã có 20 cơ sở chế biến lâm sản, góp phần giải quyết việc, tạo thu nhập cho 2/3 số người trong độ tuổi lao động tại xã.
Kinh tế, đời sống người dân ngày càng khấm khá, bình quân thu nhập hiện đạt 42 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2022), số hộ nghèo hiện còn 7,39% (giảm 1,7% so với năm 2022); tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế trên địa bàn xã đạt 86,88%. 100% xóm đã có đường bê tông đến trung tâm và các cụm dân cư. Xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.
Ông Hoàng Văn Tám, Bí thư Đảng ủy xã Cây Thị, cho biết: Xã tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nâng cao đời sống cho nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng để xã Cây Thị phát triển toàn diện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin