Thái Nguyên là tỉnh trung du, miền núi, có dân số hơn 1,2 triệu người, với 51 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm gần 30%. Những năm qua, nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, cùng với sự nỗ lực vươn lên của ĐBDTTS, tỉnh Thái Nguyên đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS và miền núi; đời sống vật chất, tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện, nâng cao...
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Nhân dân xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên (Đại Từ), thu hái chè VietGAP. Ảnh: T.L |
Nhằm thúc đẩy phát triển vùng ĐBDTTS, bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa, giải quyết việc làm, tín dụng chính sách xã hội, góp phần đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội cho bà con vùng ĐBDTTS và miền núi được triển khai kịp thời.
Cụ thể, từ năm 2019 đến 2024 là giai đoạn chuyển tiếp song song cùng thực hiện 14 chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, như: Chương trình 135 (thực hiện năm 2019, 2020); “Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi” (thực hiện từ năm 2021 đến nay); Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS” đến năm 2025; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025”; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS” giai đoạn 2015-2025.
Ngoài ra, còn có các chính sách về lâm nghiệp; chương trình bố trí ổn định dân cư; công tác bình đẳng giới; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Chương trình “hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi vùng DTTS” giai đoạn 2016-2025; Chương trình “tín dụng chính sách vùng ĐBDTTS và miền núi” giai đoạn 2019-2024… đều đạt và vượt mục tiêu của giai đoạn đã đề ra.
Hiện nay, 99,85% xóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xóm được cứng hóa. Ảnh: T.L |
Cùng với đó, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, bám sát thực tế, Ban Dân tộc đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chương trình, đề án, dự án chuyên đề, như: Chương trình “Phát triển kinh tế - xã hội vùng ATK, vùng DTTS đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020”; Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” (Đề án 2037); Chính sách hỗ trợ muối i ốt; Dự án xóa các xóm bản thiếu điện, trắng điện lưới quốc gia; Dự án xóa phòng học tạm vùng đặc biệt khó khăn...
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh triển khai tổng số 122 mô hình, dự án đã được phê duyệt (trong đó 114 mô hình, dự án triển khai năm 2022-2023) hỗ trợ phát triển sản xuất cho 3.683 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí 43.151 triệu đồng. Thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh đã đào tạo cho hơn 18.260 lao động, trong đó 49,4% lao động là người DTTS.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh tập trung xây dựng, cải tạo và nâng cấp trên 2.602km đường giao thông nông thôn; trên 295,8km kênh mương các loại và 281 công trình thủy lợi; 325 trạm biến áp, trên 971km đường dây trung áp, hạ áp; 1.350 công trình trường học, phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ; 102 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 595 nhà văn hóa và khu thể thao xóm; 4 trụ sở xã; 19 chợ; 1 trung tâm y tế và 10 trạm y tế, 15 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; 62 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 77 điểm thu gom và xử lý rác.
Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh giảm từ 11,93% (năm 2021) xuống còn 5,85% (năm 2023). Trong ảnh: Bà con dân tộc Dao ở xã Vũ Chấn (Võ Nhai) được học nghề cắt may miễn phí để tạo sinh kế. Ảnh: T.L |
Các chương trình, dự án được triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng đã góp phần quan trọng làm thay đổi toàn diện đời sống của đồng bào các DTTS tỉnh Thái Nguyên. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 98% xóm thuộc vùng DTTS và miền núi của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá, 100% xóm có điện lưới quốc gia, trên 96% gia đình vùng DTTS và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường học kiên cố; 100% xã có trạm y tế, trong đó có trên 90% trạm y tế xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại.
Đặc biệt, toàn tỉnh giảm được 7/15 xã đặc biệt khó khăn, có 3 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2022 giảm 3,36% (3.100 hộ); năm 2023 giảm 2,72% (2.635 hộ); năm 2024 phấn đấu giảm 2% (3.448 hộ). Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBDTTS và miền núi: năm 2022 giảm 2,97% (5.044 hộ); năm 2023 giảm 2,13% (hơn 3.570 hộ).
Những kết quả trên đã minh chứng sự phát triển và đổi thay đáng phấn khởi, tự hào ở vùng DTTS của tỉnh, là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, khẳng định sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, khuyến khích đồng bào các DTTS phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên giàu đẹp.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế (GRDP) toàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 6,65%/năm; 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,03%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2023, thu ngân sách nhà nước của Thái Nguyên đạt 20.196 tỷ đồng, thuộc nhóm 18 tỉnh, thành phố trên cả nước tự cân đối thu chi và có điều tiết về ngân sách Trung ương; GRDP bình quân đầu người đạt 112,6 triệu đồng/người, cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm 73,6%), được sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự vào cuộc tích cực của nhân dân trong huyện, năm 2024, Định Hóa đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Trong ảnh: Một góc trung tâm huyện. Ảnh: T.L |
Phát huy những thành tựu đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện các chính sách dân tộc để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; thu hẹp khoảng cách về mức sống với các vùng phát triển. Giai đoạn 2024-2029, Thái Nguyên phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS bằng 60% bình quân chung của cả nước; 100% xã vùng dân tộc và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; trên địa bàn tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn (xã Khu vực III); tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm xuống dưới 8% (theo tiêu chí mới); 100% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thực hiện quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 100% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở….
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, văn bản của Trung ương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, hệ thống cấp nước sạch, điện, thông tin và truyền thông ở các vùng DTTS; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi theo hướng bền vững...
Đồng thời, tỉnh chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, quan tâm xây dựng, phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ người DTTS, người uy tín trong tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc ngày càng bền chặt...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin