Với trên 1,3 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm (nhất là thịt gia súc, gia cầm) trên địa bàn tỉnh khá lớn. Do đó, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi, bảo vệ môi trường luôn được Thái Nguyên quan tâm.
Người tiêu dùng mua sản phẩm an toàn tại Siêu thị Minh Cầu, TP. Thái Nguyên. |
Đây là lý do để tỉnh triển khai Đề án quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, Thái Nguyên đã có 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung, 7 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ được cấp phép, có kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Dù vậy, con số này vẫn còn khá khiêm tốn...
Theo mục tiêu của Đề án đến năm 2020, Thái Nguyên hình thành được 6 cơ sở giết mổ động vật tập trung, 21 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Đến năm 2030, tỉnh hình thành thêm 13 cơ sở giết mổ động vật tập trung, 49 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đạt 37,04% so với mục tiêu Đề án đến năm 2020 đề ra và đạt 11,24% so với mục tiêu Đề án đến năm 2030. Thực tế này cho thấy tỉnh đang gặp khó khi phát triển các cơ sở giết mổ tập trung và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ được cấp phép hoạt động.
Theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, có không ít nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung vẫn là bài toán nan giải do đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Trong khi đó, việc quản lý tại các chợ và những đầu mối liên quan đến kinh doanh thịt gia súc, gia cầm còn chống chéo.
Trong khi việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này gặp khó thì cơ sở giết mổ tập trung lại hoạt động chưa hết công suất. Đơn cử tại cơ sở giết mổ tập trung của Công ty CP Hương Nguyên Thịnh (tại xóm Đà Tiến, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên), được xây dựng với công suất giết mổ tối đa 500 con gia súc/ngày nhưng nay hoạt động chưa đạt một nửa công suất. Theo ông Hoàng Công Bằng, Giám đốc Công ty, việc chưa hoạt động hết công suất khiến cho doanh nghiệp khá trăn trở vì đầu tư kinh phí xây dựng lớn nhưng kết quả đạt được không như kỳ vọng.
Một nguyên nhân khác khiến cho việc phát triển các cơ sở giết mổ động vật tập trung, nhỏ lẻ được cấp phép hoạt động gặp khó khăn chính là tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, theo quy mô nông hộ vẫn đang tồn tại khá nhiều trên địa bàn tỉnh (khoảng 70%).
Cùng với đó, nhận thức của người chăn nuôi, các hộ kinh doanh giết mổ động vật, sản phẩm động vật vẫn còn hạn chế…, chưa có ý thức trong việc đưa gia súc, gia cầm đến các cở sở giết mổ tập trung để giết mổ theo quy định.
Có thể thấy, việc hình thành các cơ sở giết mổ tập trung, nhỏ lẻ được cấp phép hoạt động mang lại nhiều lợi ích khi góp phần thực hiện có hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước về hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Từ đó số cơ sở giết mổ không đảm bảo quy định được giảm đi (đã giảm 160 trong tổng số trên 1.200 hộ); số chợ, siêu thị, bếp ăn tập thể sử dụng sản phẩm động vật có dấu kiểm soát giết mổ tăng cao…
Dù vậy, việc phát triển cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ được cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh theo mục tiêu Đề án quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 vẫn đang gặp nhiều trở ngại, đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ.
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên: Để hoàn thành mục tiêu về xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo Đề án, chúng tôi kiến nghị tỉnh có cơ chế quản lý chặt chẽ các sơ sở kinh doanh, nhất là chợ đầu mối. Có như vậy mới tạo điều kiện cho Thái Nguyên xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung...
Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, hộ kinh doanh thịt động vật cũng cần được quan tâm. Đặc biệt là cần chế tài đủ mạnh để xử lý răn đe những trường hợp không chấp hành quy định về ATTP, an toàn dịch bệnh khi giết mổ, kinh doanh thịt động vật…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin