Trình tự thủ tục bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã được thực hiện đúng quy trình thủ tục và phù hợp với chính sách thu hút tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, đồng thời thực hiện đúng Chỉ thị 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW ngày 18/8/2014 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cấp ủy tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định tại buổi họp báo ngày 18/10.
Việc bổ nhiệm cán bộ trẻ có tuổi đời 30 vào giữ các chức vụ chủ chốt tại địa phương cùng với các thông tin liên quan đến việc cả họ làm quan tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội), hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua đã được Bộ Nội vụ giải đáp tại họp báo.
Theo lý giải của Bộ Nội vụ thì qua buổi làm việc với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Nam, nghe báo cáo về việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho thấy, trường hợp ông Bảo không phải là trường hợp cá biệt mà nằm trong 51 trường hợp được giới thiệu ứng cử luân chuyển bổ nhiệm có độ tuổi rất trẻ từ 30-40 tuổi của tỉnh. Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Giám đốc sở theo quy định của Quyết định 82/2004/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu chuẩn Giám đốc Sở và các chức vụ tương đương thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ yêu cầu đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ từ ngạch chuyên viên chính trở lên, không quy định phải được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính; phải có kinh nghiệm công tác 5 năm trở lên trong chuyên ngành được phân công, trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao. Ông Lê Phước Hoài Bảo đã đi làm được hơn 6 năm cũng như đã giữ các vị trí quản lý lãnh đạo – bà Lê Minh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết.
Làm rõ thêm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, ông Lê Phước Hoài Bảo đã đạt đủ tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên chính, từ khi đi làm đến khi được bổ nhiệm đều nằm trong các lĩnh vực quản lý theo dõi liên quan đến đầu tư, dù là ở các cơ quan khác nhau, đã có đủ kinh nghiệm, trải nghiệm trong quá trình làm việc. Không cứ người trẻ tuổi mà cả những người có tuổi, đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đều có cơ hội như nhau. Mọi người dân có đủ phẩm chất, trình độ năng lực đều có thể trở thành công chức, viên chức theo quy định của pháp luật, phải được sử dụng, bố trí đúng với năng lực để họ phát huy...
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, việc tuyển dụng giáo viên ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh và huyện Sóc Sơn Hà Nội thuộc thẩm quyền của UBND huyện và Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh và thành phố quản lý nhà nước về công tác viên chức, công chức trên địa bàn quản lý. Nội dung ký kết và chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên hai địa phương trên đang được giải quyết theo quy định của Luật Lao động, không phải theo Luật Viên chức. Tuy nhiên, việc cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng thực hiện ký hợp đồng lao động làm chuyên môn nghiệp vụ trong khi đã được cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp mà không tổ chức tuyển dụng theo quy định là không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo thẩm quyền được giao.
Bộ Nội vụ sẽ tiến hành kiểm tra những trường hợp cụ thể ở Kỳ Anh và Sóc Sơn để đảm bảo thận trọng, phải xuống tận nơi làm việc, nghe báo cáo và kiểm tra quy trình thủ tục và quá trình phân cấp của địa phương làm rõ trách nhiệm mới có thể kết luận đúng sai – Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết. Cũng theo ông Tuấn, trường hợp ký hợp đồng ngắn hạn, khi cơ quan đó có nhu cầu thì ký, không có nhu cầu thì chấm dứt, đó là việc bình thường.
Liên quan đến dấu hiệu tiêu cực để được dạy hợp đồng tại thị xã Kỳ Anh, việc "cò viên chức" giáo dục tại Sóc Sơn, Bộ Nội vụ cho biết, các địa phương này đang chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc triển khai điều tra, xác minh cụ thể, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Việc tuyển dụng công chức, viên chức đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương. Khi thực hiện phân cấp, các quy định pháp luật đều quy định rõ quy trình, điều kiện, cơ chế giám sát, kiểm tra. Khi triển khai, các cơ quan, địa phương phải thực hiện đúng và đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Trong các cơ quan hành chính nhà nước, khi vào làm việc phải thực hiện cơ chế tuyển dụng, có thể thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển không qua thi nhưng không được ký hợp đồng lao động. Hợp đồng trong cơ quan hành chính chỉ áp dụng đối với lái xe, bảo vệ, phục vụ./.