Áp lực cạnh tranh trong sản xuất và xuất khẩu gạo

15:46, 12/12/2015

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay sản lượng lúa của cả nước ước đạt 45,1 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm 2014. Trong đó, khối lượng gạo xuất khẩu dự kiến đạt 6,8 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với năm trước. Nhìn lại một năm sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thành tích đạt được vẫn chỉ là sản lượng, còn vấn đề chất lượng, thương hiệu gạo và giá trị gia tăng còn bỏ ngỏ.

Sản lượng tăng, giá giảm, tiêu thụ bấp bênh

 

Tính đến hết tháng 11-2015, lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước khoảng 6,24 triệu tấn, đạt 2,65 tỷ USD, tăng 3,6% về lượng, nhưng giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp tới 90% tổng sản lượng xuất khẩu. Tính riêng vụ hè thu 2015, toàn vùng ĐBSCL gieo sạ được 1.663.658 ha, giảm 4.642 ha, nhưng sản lượng ước đạt hơn chín triệu tấn, tăng hơn 143 nghìn tấn so với vụ hè thu 2014. Sản lượng tăng là nhờ năng suất thêm 1,01 tạ/ha. Phần lớn diện tích giảm là do các địa phương chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như: thanh long, bắp, vừng, rau màu… Trong đó, Long An giảm 2.800 ha, Đồng Tháp 2.800 ha, Cần Thơ 2.519 ha, Trà Vinh 1.687 ha. Giá thành sản xuất lúa hè thu 2015 toàn vùng trung bình là 4.099 đồng/kg, giảm so với vụ hè thu 2014 (giá thành kế hoạch năm 2014 là 4.370 đồng/kg). Dù đạt được thành quả cao về năng suất, giá thành sản xuất hạ, nhưng đầu ra của lúa hè thu lại rất bấp bênh, giá giảm và thị trường tiêu thụ ảm đạm.

 

Đối với vụ lúa thu đông 2015, toàn vùng gieo sạ 827 nghìn ha, tăng 12.256 ha, sản lượng đạt gần 4,3 triệu tấn, tăng hơn 125 nghìn tấn. Sản lượng tăng là nhờ tăng diện tích và năng suất tăng thêm 0,75 tạ/ha so với thu đông 2014. Do điều kiện thời tiết cho nên chất lượng lúa vụ thu đông thường tốt hơn lúa hè thu, nhất là các loại lúa chất lượng cao. Theo khảo sát ở các địa phương có sản xuất lúa thu đông, lợi nhuận từ vụ lúa này khá ổn định, bảo đảm cho nông dân có lãi. Tuy nhiên, sản xuất lúa vụ thu đông cũng gặp một số khó khăn như: giá công lao động cao, vật tư đầu vào tăng, những năm lũ về sớm nếu không có đê bao chắc chắn sẽ bị mất mùa.

 

Riêng vụ đông xuân 2015 - 2016, hiện các tỉnh trong toàn vùng vẫn đang triển khai, dự kiến gieo sạ 1,563 triệu ha, tăng 336 ha so với vụ đông xuân 2014 - 2015. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cho nên nhiệt độ trung bình năm nay khá cao, lượng mưa thấp, nước lũ ở ĐBSCL không đáng kể, tình hình dịch hại lúa trong vụ đông xuân dự báo sẽ có những diễn biến bất lợi.

 

Như vậy có thể thấy, năm 2015, tại vùng lúa trọng điểm của cả nước, diện tích trồng lúa giữ ở mức ổn định, năng suất tăng nhưng giá trị gia tăng lại không cao do giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức thấp, nhất là trong những tháng đầu năm. Cụ thể, sáu tháng đầu năm, cả nước chỉ xuất khẩu được 2,713 triệu tấn gạo, giá trị đạt 1,132 tỷ USD, giá bình quân xuất khẩu đạt 417,19 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2014, giảm 9,6% về số lượng, giảm 12,7% về giá trị, giá bình quân giảm tới 14,9 USD/tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của nước ta, tiếp đến là Ma-lai-xi-a, Gha-na… Một số thị trường nhập khẩu có sự giảm đột biến như Hồng Công (Trung Quốc), Phi-li-pin, Xin-ga-po và Mỹ. Đây đúng vào thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa hè - thu cho nên gây thiệt hại khá lớn cho người nông dân. Đến tháng 10-2015, diễn biến thị trường xuất khẩu mới bắt đầu thay đổi theo hướng có lợi, khi nước ta ký hợp đồng xuất khẩu với Phi-li-pin (450 nghìn tấn) và In-đô-nê-xi-a (một triệu tấn). Thời hạn hợp đồng kéo dài từ tháng 10-2015 đến tháng 3-2016. Hai hợp đồng này đã góp phần làm lượng xuất khẩu gạo tháng 10 và tháng 11 tăng gần gấp hai lần so với các tháng trước đó. Từ đó kéo theo giá lúa trong nước cũng tăng dần lên, bớt gánh nặng về giá cả cho người trồng lúa. Theo tính toán, với giá lúa thu mua vào tháng 9 và tháng 10 thì có tới 91% số nông dân có lời, 8% hòa vốn và chỉ có 1% thua lỗ.

 

Loay hoay bài toán năng suất và chất lượng

 

Hiện nay, năng suất lúa bình quân của nước ta ước đạt gần sáu tấn/ha. Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về sản lượng xuất khẩu gạo. Gạo được xuất khẩu sang hơn 135 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Á chiếm 77%, châu Mỹ 7,6%, Trung Đông 1,2% và châu Úc 0,88%. Đến thời điểm này, cả nước có gần 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhưng có tới 80% số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu và trung bình, chỉ khoảng 20% số doanh nghiệp có năng lực tài chính ổn định. Nhìn vào những con số này có thể thấy, gạo xuất khẩu của nước ta mới chỉ phục vụ các thị trường dễ tính với yêu cầu chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp. Lượng gạo xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Úc, châu Mỹ hay châu Âu vẫn còn rất ít, thậm chí vắng bóng.

 

Nguyên nhân của tình trạng này là chất lượng gạo của Việt Nam thấp, lại hoàn toàn chưa có thương hiệu. Điều này bắt nguồn từ thực trạng sản xuất, tiêu thụ và chế biến gạo của nước ta. Hiện nay, diện tích trồng lúa chất lượng cao tại các địa phương vẫn còn hạn chế, nông dân cũng chưa mặn mà với việc thay đổi từ trồng lúa thường năng suất cao sang trồng lúa chất lượng cao mà năng suất giảm đi. Một phần vì họ lo ngại giá lúa bấp bênh, không đủ bù chi cho đầu vào. Phần khác, với tâm lý ngại tiếp cận cái mới, nông dân muốn trồng những giống lúa truyền thống đã có kinh nghiệm canh tác nhiều năm với đặc tính dễ trồng và năng suất cao. Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, khi thu mua lúa, nhiều trường hợp cũng không có sự phân biệt về giá giữa lúa thường và lúa chất lượng cao cho nên không tạo ra động lực thay đổi giống lúa từ phía nông dân.

 

Nhiều địa phương trong thời gian qua cũng đã tập trung tăng diện tích lúa chất lượng cao, lúa thơm để tăng lợi nhuận cho bà con nông dân nhưng muốn thành công thì phải bảo đảm có sự liên kết của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính để thu mua toàn bộ lúa cho dân cho nên đầu ra thường rất bấp bênh. Chính vì vậy, nhiều trường hợp vụ trước trồng lúa chất lượng cao không cho hiệu quả kinh tế, nông dân tự động bỏ, trở về trồng lúa thường với năng suất cao hơn, đầu tư thấp hơn và thời gian thu hoạch cũng ngắn hơn. Và khi không có đủ lượng lúa chất lượng cao thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục cách thu mua cũ là tập hợp tất cả các loại giống, qua khâu chế biến sẽ cho ra các loại gạo xuất khẩu phân biệt theo phần trăm tấm chứ không hề có tên hay thương hiệu cụ thể. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giá lúa xuất khẩu của nước ta luôn ở mức thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái- lan hay Cam-pu-chia.

 

Thực tế, sự loay hoay trong chọn lựa giữa năng suất và chất lượng lúa gạo đã diễn ra trong nhiều năm nay. Nhiều chuyên gia kinh tế về lúa gạo cũng như lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã đưa ra những ý kiến mạnh mẽ về việc đã đến lúc gạo Việt Nam không thể chỉ chú trọng vào việc tăng sản lượng mà phải tập trung vào chất lượng và giá xuất khẩu. Có như thế mới nâng cao được giá trị gia tăng của hạt gạo và đem lại mức thu nhập xứng đáng cho người nông dân. Để làm được điều đó, thực tế đã chứng minh là không dễ dàng. Khó khăn đến cả từ phía nông dân, doanh nghiệp và các cơ chế, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, khi Việt Nam trong tiến trình tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì buộc phải nhanh chóng thay đổi về chất chuỗi sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo, nếu không muốn bị mất thị phần trong chiếc bánh xuất khẩu gạo vốn đã và đang bị phân chia ngày một khốc liệt hơn.

 

Cần có sự thay đổi về chất

 

Có lẽ chưa năm nào vấn đề thương hiệu gạo Việt Nam được bàn luận sôi nổi như năm 2015 này. Một phần do Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 706/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi toàn cầu. Đến năm 2030, tỷ lệ này tăng lên 50%; trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là gạo thơm và gạo đặc sản. Mặt khác, có lẽ do sự lớn mạnh của các thương hiệu gạo quốc gia của các nước xuất khẩu gạo trong khu vực, từ sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng gạo với những nước trước đây chưa từng là “đối thủ” cạnh tranh của chúng ta, cụ thể là gạo từ Cam-pu-chia, cho nên “Không có cách nào khác, gạo Việt Nam phải hướng đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không muốn bị đánh bật khỏi thị trường xuất khẩu” - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Phan Minh Nguyễn Trung Tín cho biết. Ông cũng nhấn mạnh: Các doanh nghiệp có nhiều cách để tạo dựng thương hiệu gạo. Cách làm của chúng tôi là đầu tư và tập trung vào chất lượng hạt gạo, xây dựng thương hiệu vững tại thị trường trong nước, sau đó mới thu hút các nhà nhập khẩu. Mục đích của cách làm này là tạo thế chủ động trong đàm phán về giá gạo xuất khẩu. Chứ không thể như hiện nay, chúng ta hầu như bị động trong giá xuất khẩu.

 

Ở một khía cạnh khác, Phó Cục trưởng Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Đức Thịnh cho rằng: Đã đến lúc phải nhìn nhận lại việc duy trì các hợp đồng Chính phủ (hợp đồng tập trung) trong xuất khẩu gạo. Bởi phần lớn các hợp đồng Chính phủ không yêu cầu gạo phẩm cấp cao, ngược lại chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp đồng nghĩa với việc không thể có giá cao. Với hợp đồng này, doanh nghiệp bớt được khâu xúc tiến thương mại, tìm hiểu và mở rộng thị trường, cũng không phải đàm phán về giá. Chính vì vậy, khi các doanh nghiệp dựa vào hợp đồng Chính phủ để xuất khẩu gạo thì sẽ khó có động cơ kinh doanh theo thị trường. Kéo theo đó là không có sự đầu tư về kho chứa, chế biến và nhất là hạn chế nhu cầu phải nâng cao chất lượng hạt gạo để tăng giá bán và tăng lợi nhuận.

 

Sắp tới đây, cùng với việc tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng ta có nhiều lợi thế về mặt thị trường vì cộng đồng TPP rất mạnh về lương thực, cụ thể là lúa mì và các loại ngũ cốc khác, nhưng lại hạn chế về lúa gạo. Tuy nhiên, nếu gạo nước ta không bảo đảm chất lượng, không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của cộng đồng này thì những lợi thế về thị trường, về thuế cũng không còn ý nghĩa. Trong khi đó, theo dự báo, trong năm 2016, thị trường xuất khẩu gạo cũng còn nhiều diễn biến khó lường. Việc một số nước nhập khẩu tự túc được lương thực cộng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn của các nước xuất khẩu sẽ dễ dẫn đến tình trạng sản phẩm gạo nước ta bị mất thị phần nhiều hơn nếu chỉ phụ thuộc vào các hợp đồng tập trung và thị trường truyền thống.

 

Rõ ràng, cần có sự thay đổi về “chất” của ngành hàng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo nước ta hiện nay. Ở đó, nâng cao chất lượng gạo và mở rộng thị trường là điều không thể chậm trễ thêm nữa. Muốn thế, phải trả lời dứt khoát các câu hỏi, rằng chúng ta có dám hy sinh sản lượng để hướng tới chất lượng không? Chúng ta có dám bỏ vị trí hàng đầu về sản lượng xuất khẩu với những giống lúa phẩm cấp thấp, giá rẻ để theo đuổi chất lượng hạt gạo và cạnh tranh về giá hay không? Và hơn nữa, là cả Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân có cùng tâm nguyện đồng hành trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo quốc gia hay không? Trả lời được những câu hỏi này thì mới mong có động lực và sức đẩy thật sự, nhằm tạo dựng sự phát triển bền vững cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.