Cần xử lý triệt để từ gốc

10:45, 14/12/2015

Theo thông tin báo chí, mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) và Thanh tra Bộ Nông nghiệp - PTNT đã bắt quả tang một lượng lớn chất cấm salbutamol (chất tăng trọng, tạo nạc) đang trong quá trình tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra là cần xử lý triệt để từ "gốc" tình trạng này, đó là cần có ngay những giải pháp kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả việc nhập khẩu các chất cấm.

Được biết, lượng chất cấm nói trên nhập khẩu qua nhiều công ty kinh doanh khác nhau, sau đó bí mật bán cho các đầu nậu (với giá từ 2,5-6 triệu đồng/kg) để phân phối cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại hoặc hộ chăn nuôi nhằm hưởng chênh lệch (giá bán nâng lên khoảng 8 triệu đồng/kg). Chất cấm được trộn vào thức ăn chăn nuôi với tỷ lệ 1kg/10 tấn (1kg chất cấm pha được cho 10 tấn thức ăn). Theo một thông tin khác, Thanh tra Bộ Nông nghiệp - PTNT cho biết đối với những người báo tin về thực phẩm bẩn, nếu nguồn tin đó có giá trị sẽ được xem xét thưởng "nóng" từ 1-50 triệu đồng. Nếu thông tin ban đầu đơn giản nhưng thanh tra phát hiện đó là vụ việc nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng thì mức thưởng sẽ lớn hơn mức tin tức ban đầu. Cũng theo Thanh tra Bộ Nông nghiệp - PTNT, sau khi công bố đường dây nóng (với các số máy điện thoại: 08042526 - 0917808113) và địa chỉ Email (thongtinvipham@mard.gov.vn), Bộ Nông nghiệp - PTNT đã nhận được nhiều thông tin có giá trị từ phía người dân, qua đó góp phần phát hiện, xử lý nhiều hành vi, vụ việc vi phạm.

 

Từ những thông tin trên cho thấy, sau khi kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII "nổi sóng" về câu chuyện "từ dạ dày đến nghĩa địa" và với sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều cơ quan truyền thông, các cơ quan chức năng đã có những động thái tích cực. Nhiều người dân hy vọng, với việc Bộ Nông nghiệp - PTNT, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Công Thương cùng vào cuộc xử lý một cách quyết liệt thì vấn nạn thực phẩm "bẩn" sẽ từng bước được đẩy lùi. Thế nhưng, từ thực tế cũng cho thấy, việc truy bắt chất cấm sử dụng trong chăn nuôi hiện nay không khác bao nhiêu so với việc "thả gà ra đuổi". Vấn nạn kinh doanh và sử dụng chất cấm sẽ không thể giải quyết được triệt để nếu vẫn còn tình trạng người truy lùng cứ việc truy lùng, còn người cho nhập cứ việc… cho nhập dù không có giải pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Cũng có ý kiến cho rằng, với mức xử phạt vi phạm hành chính từ vài triệu đến vài chục triệu đồng sẽ không thể đủ sức răn đe, bởi lẽ đã là chất cấm thì đương nhiên không được phép kinh doanh. Thêm vào đó, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần được hiểu là một hành vi hủy diệt giống nòi, do đó rất cần có những hình thức xử lý thích đáng như: Đóng cửa trang trại chăn nuôi, rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí hoàn toàn có thể xử lý hình sự để răn đe và làm thay đổi nhận thức của những người có liên quan trong lĩnh vực này…

 

Rõ ràng, việc khuyến khích người dân tố giác những trang trại, doanh nghiệp vi phạm cũng như đẩy mạnh việc kiểm tra, truy quét các hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là hết sức cần thiết. Các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều nỗ lực, kết quả đạt được bước đầu rất đáng khích lệ, đặc biệt là trong việc tạo niềm tin cho người dân. Tuy nhiên, có thể khẳng định những giải pháp nêu trên vẫn chỉ là "phạt ngọn". Vấn đề "gốc" đã và đang được đặt ra là cần có những giải pháp kiểm soát việc nhập khẩu chất cấm một cách chặt chẽ, hiệu quả, mà điều này không chỉ đặt trách nhiệm lên vai Bộ Nông nghiệp - PTNT và Bộ Y tế. Và chỉ khi thực hiện được việc này thì mới mong giải quyết triệt để được một vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội.