Bảo vệ 128 loài động vật trên cạn quý hiếm của Tây Nguyên

08:05, 13/08/2016

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), hiện nay ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng có 675 loài động vật có xương sống trên cạn, bao gồm 169 loài thú, 412 loài chim, 64 loài bò sát và 30 loài ếch nhái. Đặc biệt, trong đó có 128 loài động vật quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ, gồm 58 loài thú, 39 loài chim và 31 loài bò sát, ếch nhái.

Tây Nguyên hiện có trên 3,354 triệu ha rừng, đất rừng, trong đó có 2,25 triệu ha rừng, với độ che phủ 45,8%, còn lưu giữ nhiều thảm thực vật nhiệt đới ẩm, nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có các loài thú như mèo gấm, beo lửa, báo gấm, báo hoa mai, hổ, voi, hươu cà toong, hươu vàng, mang lớn, mang trường sơn, bò tót, bò rừng, bò xám, trâu rừng… Tây Nguyên cũng là nơi lưu trữ các nguồn gen thực vật, động vật quý hiếm lớn nhất của Việt Nam và của vùng Đông Nam Á. Các loài động vật có xương sống trên cạn ở Tây Nguyên chủ yếu tập trung nhiều nhất ở các Vườn quốc gia, như Yok Đôn, Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Kon Ka Kinh (Gia Lai), Chư Mom Ray (Kon Tum), các khu bảo tồn thiên nhiên như Tà Đùng, Nam Nung (Đắk Nông), Nam Ca, Ea Sô (Đắk Lắk), Kon Cha Rắng, Chư Prông (Gia Lai), Ngọc Linh (Kon Tum)… Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng động vật có xương sống ở Tây Nguyên có nguy cơ ngày càng giảm, nhất là các loài thú lớn như voi, bò tót, bò rừng, trâu rừng, hổ, báo, beo lửa, hươu cà toong…

 

Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ, xử lý nghiêm các đối tượng săn bắn, mua bán, vận chuyển, giết mổ các loại động vật hoang dã, các tỉnh Tây Nguyên cần sớm triển khai các biện pháp đồng bộ như xây dựng các khu bảo vệ cấp tỉnh để bảo tồn nguyên vị hoặc đề xuất xây dựng các khu bảo vệ cấp quốc gia ở những nơi đa dạng sinh học cao. Đồng thời, các tỉnh Tây Nguyên cần nâng cao công tác bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế sự tác động đến vùng lõi của các khu bảo tồn thiên nhiên nhằm đảm bảo tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái…/.