Đây là nội dung Hội thảo hưởng ứng Tuần lễ Quốc tế Phòng chống nhiễm độc chì năm 2017 (từ ngày 23-29/10), do Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) và Mạng lưới các tổ chức quốc tế vận động về an toàn hóa chất để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường (IPEN) tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.
Tham dự có các đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công thương), Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), các nhà nghiên cứu, khoa học một số trường đại học, các tổ chức xã hội dân sự và những cá nhân quan tâm đến vấn đề sơn có chứa chì…
* Tác hại của ô nhiễm chì
Thạc sĩ Nguyễn Kim Thúy, Giám đốc điều hành CGFED cho biết, sơn là một loại vật liệu được sử dụng phổ biến, được dùng để quét lên bề mặt của sản phẩm nhằm chống gỉ cho kim loại, chống ẩm và chống mục cho gỗ, bảo vệ khỏi tác động của một số hóa chất, đảm bảo vệ sinh và để tăng nét thẩm mỹ cho sản phẩm. Riêng trong ngành xây dựng và trang trí nội thất thì sơn có vai trò không thế thiếu trong việc tăng thêm vẻ đẹp cho sản phẩm.
Tại Việt Nam hiện có khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sơn. Theo thống kê của Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam, ngành này đã đạt tổng giá trị trên 1,6 tỷ USD trong năm 2016. Tổng sản lượng sơn đạt xấp xỉ 250 triệu lít/năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10-15%năm. Trong đó sản lượng sơn trang trí chiếm khoảng 65% (khoảng 180 triệu lít) và đạt giá trị gần 54% của toàn ngành. Điều đáng lo ngại là ở các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam), các loại sơn có chứa chì đang được sản xuất và tiêu thụ rộng rãi. Việc sử dụng sơn có chứa chì sẽ tác hại khó lường đối với sức khỏe con người, biểu lộ rõ nhất là phơi nhiễm chì.
Theo phân tích của Tiến sĩ Phạm Đức Phúc, Đại học Y tế công cộng, có nhiều nghiên cứu về tác động của phơi nhiễm chì đối với môi trường, kinh tế và sức khỏe con người, nhất là trẻ em. Những nghiên cứu này cũng chỉ rõ trẻ em bị phơi nhiễm chì từ nhiều nguồn khác nhau và chì trong sơn là một trong những nguồn chủ yếu.
Phơi nhiễm chì không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lớn, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe trẻ em trong suốt cuộc đời, như tác động đến hệ thần kinh của trẻ dẫn đến khó khăn trong học tập, dễ bực bội, có hành vi bạo lực. Làm gia tăng tỷ lệ tăng động, mất tập trung, rối loạn hành vi; ảnh hưởng đến hệ máu, thận, hệ khung xương, phá vỡ tuyến nội tiết.
Đặc biệt, trẻ em càng nhỏ tuổi càng có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn từ việc phơi nhiễm chì. Đối tượng bị tổn thương nhiều nhất là thai nhi, bởi bà mẹ khi đang mang thai có khả năng truyền chì từ cơ thể mình sang con thông qua nguồn dinh dưỡng vào nhau tới bào thai đang phát triển. Chì cũng được lây truyền qua đường sữa mẹ.
* Thúc đẩy hành động
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc-Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: Các bằng chứng về mối liên hệ giữa phơi nhiễm chì và suy giảm trí thông minh đã khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa việc “chậm phát triển trí tuệ do phơi nhiễm chì” như là một loại bệnh. WHO cũng liệt kê “chậm phát triển trí tuệ do phơi nhiễm chì” vào danh sách 10 loại bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất cho trẻ em gây ra bởi các tác nhân môi trường. WHO cũng đã cảnh báo “Không có mức độ phơi nhiễm chì nào được coi là an toàn”.
Chính vì vậy, từ năm 1970 đến năm 1980, đa số các quốc gia công nghiệp hiện đại đã ban hành nhiều luật và quy định nhằm kiểm soát nồng độ chì trong sơn trang trí. Nhiều quốc gia cũng đưa ra những quy định để kiểm soát lượng chì trong sơn sử dụng trong trang trí đồ chơi cho trẻ em, các vật dụng khác tiềm ẩn nguy cơ gây phơi nhiễm chì.
Ở Việt Nam, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có quy định nào về tiêu chuẩn hàm lượng chì được phép sử dụng trong tất cả các loại sơn và ngay cả đồ chơi của trẻ em. Do đó tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng ban hành các quy định để kiểm soát nồng độ chì trong sơn, trước mắt là các loại sơn trang trí dùng cho nhà ở và trường học. Tiến tới đạt được mục tiêu toàn cầu loại bỏ sơn có chứa chì vào năm 2020.
Các đại biểu cũng khuyến nghị phải thúc đẩy hành động thông qua việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân, khi bị bệnh chỉ khám ở các cơ sở y tế có đăng ký và dùng các thuốc lưu hành hợp pháp. Loại bỏ các sản phẩm có nguy cơ gây nhiễm độc chì trong cuộc sống hàng ngày như sơn có chì, đồ chơi có chì…Trẻ em ở nơi có ô nhiễm chì, bên cạnh việc xử lý môi trường cần chú ý thường xuyên cung cấp đủ các chất khoáng cần thiết như: canxi, sát, kẽm, ma giê…/.