Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, Hà Nội được xây dựng với mục tiêu trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc gia dựa trên đổi mới và sáng tạo. Đã có nhiều kết quả trong việc thu hút đầu tư các dự án CNC, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ cũng như hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp… Tuy nhiên quá trình triển khai cho thấy vẫn cần những giải pháp để Khu CNC Hòa Lạc có bước phát triển mạnh hơn nữa.
Điểm đến của doanh nghiệp công nghệ cao
Khu CNC Hòa Lạc được thành lập với định hướng phát triển trở thành một thành phố khoa học và công nghệ (KH và CN), một đô thị sinh thái, thông minh, sẽ là nơi thu hút, tập trung và liên kết các hoạt động nghiên cứu phát triển; đào tạo, ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp; ứng dụng chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh; cung ứng dịch vụ CNC. Sau một thời gian “ì ạch”, Khu CNC Hòa Lạc đang có những bước chuyển mình, dần trở thành một điểm đến của các doanh nghiệp CNC. Một số trường đại học, trung tâm nghiên cứu của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đầu tư tại đây như: Trường đại học FPT, Viện Nghiên cứu và phát triển Viettel, Trung tâm phần mềm FPT, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc…
Phó Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc Nguyễn Trung Quỳnh cho biết, đã có 81 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn khoảng 66.172 tỷ đồng (quy mô 358 ha), chiếm 33,6% tổng diện tích toàn khu. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, điện tử, y sinh, vật liệu mới, tự động hóa, vũ trụ, vệ tinh, hạ tầng xã hội, giáo dục, đào tạo nhân lực CNC... Khu CNC Hòa Lạc đã quy hoạch và định hướng những dự án sẽ đầu tư trong tương lai để sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố KH và CN. Mục tiêu đó càng có cơ sở khi Thủ tướng Chính phủ đã thông qua cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc, mở ra những cơ hội đầu tư mới, phát triển tiềm lực KH và CN của nước nhà. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, những dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã có tổng nguồn vốn là hơn 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc đang đàm phán với một nhà đầu tư đến từ Nhật Bản sẵn sàng đầu tư một dự án có tổng vốn đăng ký lên tới hơn 500 triệu USD. Một số doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và nước ngoài cũng đang chuẩn bị đầu tư các dự án CNC có quy mô lớn.
Ban quản lý tập trung, ưu tiên phát triển tiềm lực KH và CN, nhằm tạo ra một hệ sinh thái cho các hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đó là việc khai trương phòng thí nghiệm IoT Lab với khu trưng bày, giới thiệu, thử nghiệm về các công nghệ IoT (In-tơ-nét kết nối vạn vật) cho nhà thông minh, thành phố thông minh, IoT trong lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục... Ngân hàng thông tin về KH và CN đã được hình thành với sự tham gia của 9.940 chuyên gia với 22.570 đề tài, dự án các cấp; 3.448 bằng phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích; 936 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ; 65 quỹ đầu tư, hỗ trợ KH và CN; 400 phòng thí nghiệm... Nhiều hoạt động thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, giới thiệu những dự án CNC, đào tạo nhân lực cũng được tổ chức như các hội thảo về du lịch thông minh; nông nghiệp thông minh; triển khai chương trình phòng thí nghiệm về dữ liệu sóng não; tổ chức các diễn đàn KH và CN sinh viên khởi nghiệp; tiếp nhận và ươm tạo 30 nhóm ươm tạo... Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc đang kêu gọi sự hỗ trợ để những hoạt động nói trên trở thành sự kiện hằng năm.
Gỡ khó để phát triển
Khu CNC Hòa Lạc được đầu tư, xây dựng từ khá lâu, nhưng chỉ những năm gần đây mới có những bước chuyển mình khi đã có được cơ sở hạ tầng đủ điều kiện để đón các nhà đầu tư, đối tác. Ban quản lý đã xây dựng một kế hoạch chi tiết chuyển đổi về chất lượng của các mô hình về KH và CN song song với chuẩn bị hạ tầng để có thể phối hợp các đối tác tạo ra nền tảng về nghiên cứu, chứ không dừng ở việc thuê đất, làm nhà máy, viện nghiên cứu...
Tuy nhiên, hiện nay Khu CNC Hòa Lạc phát triển còn chậm, chưa đúng như kỳ vọng. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung, một trong những nguyên nhân là Khu CNC Hòa Lạc ở xa thành phố, khó kết nối với cộng đồng khởi nghiệp, do họ vẫn còn thói quen tập trung tại trung tâm của thành phố. Chưa kể việc kết nối sẽ liên quan nhiều đến hệ thống, thiết bị chứ không chỉ là phần mềm, cho nên vẫn cần các đơn vị khởi nghiệp phải đến làm việc, đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc. Đáng chú ý, ngay trong Khu CNC Hòa Lạc có rất nhiều nhà máy, phòng nghiên cứu, hạ tầng thiết bị của Viettel, FPT, Sở KH và CN Hà Nội... nhưng các hệ thống đang chạy độc lập, chưa kết nối với nhau để hình thành một nguồn tài nguyên sử dụng chung. Điều này gây ra sự lãng phí, nếu có sự kết nối sẽ tạo điều kiện để những đơn vị khác có thể thực hiện nhiều dự án CNC ngay tại đây.
Ông Hô-ra-gu-chi Hi-rô-shi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Noble Việt Nam cho rằng, tại Khu CNC Hòa Lạc vẫn còn nhiều hạng mục về hạ tầng xã hội chưa hoàn thiện để bảo đảm sinh hoạt, đời sống cho những người lao động, làm việc như: nhà ở, trường học, bệnh viện, siêu thị... Vì vậy, Ban quản lý nên có biện pháp để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực hạ tầng đó nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Thứ trưởng Bộ KH và CN Phạm Đại Dương cho biết, Khu CNC Hòa Lạc không chỉ là nơi thu hút đầu tư, mà còn đóng vai trò thúc đẩy hoạt động tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng công nghệ giữa các đơn vị sở hữu và cần công nghệ. Những hoạt động liên kết nghiên cứu và ứng dụng CNC sẽ góp phần xây dựng và phát triển tiềm lực quốc gia. Việc xây dựng, phát triển Khu CNC Hòa Lạc sẽ là một trong những nền tảng chiến lược để phát triển nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và là tiền đề quan trọng để Việt Nam bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính vì vậy, Bộ KH và CN sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương liên quan để đẩy nhanh, sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; hoàn thiện đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đồng thời, nghiên cứu phương án có thể chia sẻ hạ tầng của Khu CNC với khu vực lân cận nhằm phát huy hiệu quả đầu tư. Xây dựng chính sách phù hợp với đặc thù về mô hình, tính chất, quy mô phát triển của Khu CNC Hòa Lạc để tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho sự bứt phá; hoàn thiện chiến lược thu hút đầu tư linh hoạt, phù hợp từng thời kỳ và phù hợp khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển công nghệ mới.