Đến năm 2020, bắt buộc chuyển đối thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip

08:10, 10/05/2018

Thời gian qua, có một số vụ việc khách hàng mất tiền trong tài khoản. Điều này gây không ít hoang mang trong dư luận về việc an toàn bảo mật của ngân hàng. Ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết, các rủi ro trong thời gian vừa qua chủ yếu là đối với dịch vụ ngân hàng điện tử, đặc biệt là đối với thẻ rút tiền ATM.

Phóng viên (PV): Thưa ông, thời gian gần đây có một số vụ việc khách hàng mất tiền trong tài khoản. Ông đánh giá thế nào đến lỗ hổng an toàn, bảo mật của các ngân hàng hiện nay?

Ông Đào Minh Tuấn: Thực ra, các dịch vụ ngân hàng hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ thì các ngân hàng luôn phải tính đến các rủi ro có thể xảy ra đối với khách hàng và đương nhiên là cho cả ngân hàng. Các ngân hàng luôn luôn đầu tư các hệ thống, giải pháp an toàn bảo mật đến mức tối đa để bảo đảm an toàn cho khách hàng, cũng là đảm bảo an toàn cho chính ngân hàng. Các rủi ro trong thời gian vừa qua chủ yếu là các rủi ro đối với dịch vụ ngân hàng điện tử, đặc biệt là các rủi ro đối với thẻ rút tiền ATM. Trước hết, phải khẳng định các ngân hàng hiện nay tập trung đầu tư rất nhiều giải pháp khác nhau và mỗi một lần xảy ra rủi ro thì các ngân hàng chia sẻ kinh nghiệm về rủi ro, riêng về khía cạnh của Hội thẻ cũng có riêng một Tiểu ban rủi ro và định kỳ hàng quý tổ chức các hội thảo, các chuyên gia thẻ quốc tế sang chia sẻ kinh nghiệm về phòng ngừa rủi ro. Do đó, phải khẳng định là về phía ngân hàng luôn luôn quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho khách hàng và trong trường hợp xảy ra rủi ro, các ngân hàng cũng đảm bảo đến mức tối đa quyền lợi của khách hàng.

PV: Vậy tỷ lệ rủi ro cũng như tỷ lệ các khách hàng bị mất tiền trong tài khoản tại Việt Nam so với tỷ lệ trên thế giới là như thế nào?

Ông Đào Minh Tuấn: Thực ra, đối với thẻ quốc tế mà trước đây chúng ta gọi là thẻ từ nói chung, thẻ tín dụng mà quốc tế có thống kê thì tỷ lệ rủi ro khoảng 6%. Hội thẻ quốc tế trong lộ trình gần 20 năm vừa qua đang cố gắng để chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, kéo dài 20 năm nhưng cho đến nay vẫn đang trong lộ trình.

Đối với Việt Nam cũng vậy, thời gian ngắn hơn và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có chủ trương chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) từ nay đến năm 2020 cũng sẽ chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Tất nhiên, với số lượng thẻ hiện nay khoảng hơn 100 triệu thẻ thì lộ trình đấy phải có thời gian nhất định, đến năm 2020 thì phải bắt buộc chuyển đổi sang thẻ chip. Với việc chuyển đổi sang thẻ chip thì mức độ rủi ro đối với thẻ nói chung sẽ giảm thiểu đi rất nhiều.

PV: Ông có thể cho biết việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip sẽ tiêu tốn của các ngân hàng như thế nào?

Ông Đào Minh Tuấn: Đương nhiên việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip sẽ tăng chi phí lên nhiều cho các ngân hàng. Đó cũng là lý do vì sao các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, Mater vừa đề cập là từ năm 1993 đến nay, gần 25 năm triển khai vẫn chưa đạt được mục đích là toàn bộ các thành viên chuyển đổi thẻ chip. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì với sự quyết tâm của NHNN và các NHTM, mặc dù các chi phí đầu tư lớn hơn nhưng để đảm bảo an toàn tối đa cho khách hàng thì các ngân hàng vẫn triển khai nhiệm vụ này.

Đương nhiên, chi phí đầu tư từ phôi thẻ, hệ thống chấp nhận thẻ như POS, ATM thì về cơ bản, những thiết bị trong những năm gần đây cũng đã hỗ trợ thẻ chip rồi, thế nên việc đầu tư tăng thêm trong giai đoạn hiện nay cũng không phải là quá lớn nên các ngân hàng vẫn có thể chấp nhận được.

PV: Liên quan đến vấn đề phí chuyển tiền, rút tiền, trong lộ trình, liệu các chủ thẻ sẽ còn phải chấp nhận những loại chi phí như thế nào để đảm bảo sự an toàn từ phía ngân hàng?

Ông Đào Minh Tuấn: Thực ra, đối với thẻ thì NHNN cũng đã quy định, chỉ có 2 loại phí đối với thẻ. Phí rút tiền, nếu là rút tiền mặt thì thông thường là sẽ phải trả phí vì chi phí về tiền mặt để khách hàng rút tiền mặt, duy trì hoạt động của hệ thống ATM là rất lớn. Thông thường ở các nước, thẻ là để chi tiêu nên nếu chi tiêu thì khách hàng không mất phí, nhưng nếu rút tiền mặt thì đương nhiên mức phí tăng lên vì việc chúng ta phải đảm bảo cung ứng lượng tiền mặt cho ATM… Hành vi dùng tiền mặt hiện nay của khách hàng là quá lớn thì nó tốn một lượng chi phí rất lớn.

Theo tính toán, nếu tính tất cả chi phí cơ hội thì thông thường chi phí một giao dịch rút tiền mặt từ 7 - 10 nghìn đồng. Trong thời gian vừa qua, ngân hàng chỉ thực hiện thu phí 1.000 đồng đối với giao dịch nội mạng và 3.000 đồng đối với giao dịch ngoại mạng. Phí nội mạng theo Thông tư 35 năm 2012 của NHNN cũng đã quy định cho mức trần là 3.000 đồng mà các ngân hàng hiện nay mới chỉ thu có 1.000 đồng thôi, mới bằng 1/3 mức trần của NHNN thì đương nhiên trong Hội thẻ, với tư cách là một hội ngành nghề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ở đây là các ngân hàng phát hành thẻ thì đương nhiên chúng tôi cũng quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi, xây dựng một lộ trình tăng phí. Chắc chắn trong thời gian tới sẽ tăng nhưng tăng ở mức độ như thế nào chứ không tăng ngay một lúc lên mức 3.000 đồng/giao dịch.

PV: Xin cảm ơn ông!