Ngăn chặn tình trạng nhập khẩu thiết bị, công nghệ lạc hậu

09:27, 28/06/2019

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, thay thế Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN. Quy định mới (có hiệu lực từ ngày 15-6) được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư thuộc một số lĩnh vực trong nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng và bảo đảm các biện pháp quản lý để ngăn chặn thiết bị cũ có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường nhập khẩu vào Việt Nam.

Nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đó là tuổi máy móc, thiết bị đã qua sử dụng không vượt quá 10 năm mới được phép nhập khẩu. Ðồng thời phải được sản xuất phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có 16 loại máy móc, thiết bị thuộc lĩnh vực cơ khí; sản xuất, chế biến gỗ; sản xuất giấy và bột giấy được nới rộng tuổi thiết bị hơn, từ 15 đến 20 năm.

Vụ trưởng Vụ Ðánh giá, thẩm định và giám định (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Nam Hải cho rằng, trước đây, tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN quy định, tuổi thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu không vượt quá 10 năm trong tất cả các lĩnh vực. Quy định này góp phần ngăn chặn việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Ðồng thời giải quyết một phần nhu cầu của doanh nghiệp trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng để duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, quy định này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi máy móc, thiết bị cũ vẫn bảo đảm năng lực sản xuất, không ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, nhưng không được nhập khẩu do giới hạn tuổi thiết bị là 10 năm. Quy định mới phù hợp hơn với thực tiễn, được dựa trên phân tích đặc thù bản chất hoạt động của máy móc, thiết bị và thực tiễn sử dụng, có tham khảo ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp và có sự thống nhất của các bộ quản lý chuyên ngành.

Thực tế cho thấy, có trường hợp doanh nghiệp đang sản xuất tại Việt Nam, có nhu cầu nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, nhưng tuổi thiết bị vượt quá mức quy định. Trong khi đó, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng trong trường hợp này là giải pháp duy nhất, có thể do nhà sản xuất, chế tạo thiết bị ban đầu không còn sản xuất mới máy móc, thiết bị cùng chủng loại và phù hợp với dây chuyền sản xuất đã lắp đặt và vận hành. Quyết định số 18/2019/QÐ-TTg đã giải quyết trường hợp này với yêu cầu nghiêm ngặt về năng lực còn lại thực tế của máy móc. Cụ thể, công suất hoặc hiệu suất còn lại của máy móc, thiết bị phải đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế; mức tiêu hao năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế. Ngoài ra, máy móc, thiết bị phải đáp ứng nhiều tiêu chí cụ thể khác. Việc đánh giá theo các tiêu chí do tổ chức giám định có năng lực thực hiện. Về hồ sơ, trình tự giải quyết trường hợp này cũng được quy định chặt chẽ, nhất là việc tiếp nhận, giải quyết, lấy ý kiến của cơ quan liên quan và các chuyên gia về máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Quyết định số 18/2019/QÐ-TTg tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ các quy định. Hồ sơ và thủ tục nhập khẩu được quy định rõ ràng, đơn giản. Ðối với một số trường hợp cụ thể, cần ý kiến xem xét của bộ, ngành thì trình tự giải quyết tại Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan được quy định minh bạch, nhanh chóng. Các dịch vụ giám định phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này được xã hội hóa, tuân thủ chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng được cơ chế thừa nhận quốc tế.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, gần đây, do tác động của các xung đột chính trị, chính sách thương mại và thu hút đầu tư của mỗi quốc gia, tranh chấp thương mại giữa các cường quốc, việc nhà đầu tư có nhu cầu chuyển dịch hoạt động sản xuất từ một quốc gia sang quốc gia khác xuất hiện ngày càng nhiều. Với ưu thế ổn định chính trị, môi trường kinh doanh, đầu tư không ngừng được cải thiện, tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Việt Nam nổi lên như một điểm đến có tiềm năng đối với nhiều nhà đầu tư. Quyết định số 18/2019/QÐ-TTg vừa tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm ngăn chặn công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường.