Phú Đình ngày ấy, bây giờ

16:27, 05/05/2014

Tháng 5, chúng tôi tìm về Phú Đình (Định Hóa), mảnh đất An toàn khu (ATK) năm xưa để được đắm mình trong dòng chảy lịch sử của nước nhà hơn 60 năm về trước.

Tại mảnh đất này, 60 năm trước Trung ương Đảng đã ra một quyết định quan trọng: ngày 6-12-1953, trong lán nhỏ đơn sơ ở xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng để thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

 

Hôm nay về Phú Đình, lán nhỏ Tỉn Keo đơn sơ vẫn còn đó, cây râm bụt Bác trồng trước cửa lán năm xưa vẫn ngày ngày trổ hoa tươi thắm. Những nét quen thuộc như vẫn có hình bóng Bác đâu đây. Từ di tích Tỉn Keo, ngược lên đỉnh đèo De, xã Phú Đình - nơi có khu Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng tầm mắt ra xa thấy bạt ngát hoa rừng với đủ màu… đang khoe sắc trong nắng. Những đồi cọ xòe ô xanh ngắt, nương chè của bà con đang vào vụ hái, búp non mỡn, ẩn hiện sau rừng cây mỡ, keo lai là những nếp nhà sàn của người Tày, người Nùng…

 

Tự hào là Trung tâm ATK trong thời kỳ kháng chiến, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Đình luôn vươn lên xây dựng quê hương đổi mới từng ngày. Con đường vào trung tâm xã đã được trải nhựa, nhiều tuyến đường liên xã, liên xóm cũng được cứng hóa tạo điều kiện cho việc đi, lại, thông thương hàng hóa của người dân. Con em quê hương Phú Đình hôm nay đã được học tập dưới những ngôi trường khang trang, sạch đẹp. Các trường mầm non, tiểu học và THCS của xã đều đã được xây dựng kiện cố với những dãy nhà lớp học cao tầng.

 

Điều đáng mừng nữa là người dân nơi đây đã được sử dụng điện lưới Quốc gia. Điện về không chỉ thắp sáng các bản, làng mà còn giúp người dân có điều kiện đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng... Nhờ đó, tư duy phát triển kinh tế của gần 1.500 hộ dân trong xã đã có những chuyển biến tích cực.

 

Với gần 290ha đất cấy lúa cả năm, bà con đã mạnh dạn sản xuất giống lúa Bao thai đặc sản hàng hóa và đưa một số giống lúa lai vào gieo cấy ở cả vụ xuân và vụ mùa; đẩy mạnh việc trồng cây ngô bằng các giống cao sản… nên tổng sản lượng lương thực cây có hạt của xã đã tăng lên đáng kể, mỗi năm tăng từ 5-10%. Riêng năm 2013, sản lượng lương thực của xã đạt 2.200 tấn, trong đó một phần cung cấp cho thị trường, phần còn lại phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi của người dân.

 

Hiện nay, xã có trên 30 nghìn con gia cầm, hơn 2.000 con lợn và gần 550 con trâu, bò. Bình quân mỗi năm, giá trị thu được từ chăn nuôi của xã đạt khoảng 8 tỷ đồng. Chị Hà Thị Thu, một người dân ở xóm Phú Hà cho biết: Sản lượng lúa, ngô tăng nên người dân chúng tôi đã có điều kiện chăn nuôi gia súc, gia cầm, cải thiện cuộc sống. Hiện, gia đình tôi đang nuôi 50 con gà và 5 con lợn. Tận dụng chất thải từ chăn nuôi để bón cho đồng, ruộng đã giúp chúng tôi giảm bớt chi phí đầu tư thâm canh cây trồng…

 

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất cây lương thực, chăn nuôi, người dân Phú Đình còn mạnh dạn đầu tư phát triển cây chè. Đến nay, xã đã có gần 200ha chè, trong đó diện tích chè cành chiếm khoảng 30%. Năm 2013, thu nhập từ 1ha chè của xã đã đạt khoảng 70 triệu đồng. Đặc biệt, với lợi thế có 8 điểm di tích lịch sử, hằng năm thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, nhiều hộ dân trong xã đã đầu tư thâm canh chè đặc sản, trong đó có gần 30 hộ tại thôn Phú Ninh 3 đang sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất tốt) và tiêu thụ ngay tại chỗ, phục vụ du khách tham quan ATK. Hiện tại, mô hình này đang tiếp tục được mở rộng sang xóm Duyên Phú…

 

Nhờ biết khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân Phú Đình đã được cải thiện rất nhiều. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm, xã giảm được từ 3 đến 4% hộ nghèo (năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 31%); thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ gần 9 triệu đồng/người/năm lên 12 triệu đồng/người/năm… Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình chia sẻ: Kinh tế ổn định, cuộc sống của người dân cũng được nâng lên. Năm 2013, 70% số dân trong xã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; bà con khi đau, ốm được khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường; hơn 60% số hộ đạt gia đình văn hóa...

 

Vùng đất chiến khu xưa hôm nay đã đổi thay rất nhiều. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2014, xã phấn đấu sản lượng lương thực cây có hạt trên 2.400 tấn; giá trị thu được trên 1ha đất nông nghiệp tăng từ 53 triệu đồng lên 63 triệu đồng/ha; tích cực trồng mới, trồng lại chè bằng các giống chè cành năng suất, chất lượng; đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới...