Đã 40 năm trôi qua nhưng ông Đàm Quang Bẩy, 74 tuổi, xóm Tân Thành II, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) vẫn nhớ như in thời khắc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh cùng nội các bị quân ta bắt tại chỗ và phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Là người con của quê hương Thái Nguyên giàu truyền thống cách mạng, khi mới bước qua tuổi đôi mươi, tháng 4-1966, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Bẩy lên đường nhập ngũ công tác tại Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Cũng trong năm này, ông nhận được lệnh vào chiến trường miền Nam chiến đấu ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, khi đó ông giữ chức vụ Trung đội trưởng Trung đội 5, Sư đoàn 312. Qua 4 tháng hành quân ròng rã, cuối cùng đơn vị của ông cũng vào đến tỉnh Bình Long, Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước).
Nhớ lại những tháng ngày hành quân gian khổ nhưng cũng đầy quyết tâm của anh em trong đơn vị, ông xúc động kể lại: Đó là quãng đường dài trên 2.000km với biết bao khó khăn phải đối mặt, nhất là đoạn qua ngã ba Đông Dương, trên đỉnh Trường Sơn không kiếm được một giọt nước nào, anh em trong đơn vị phải mang theo nước đủ dùng trong 9 ngày, quân trang nặng khoảng 40kg trên lưng. Vất vả là thế, gian khổ là thế nhưng tất cả chiến sĩ trong đơn vị không ai dao động, giữ nguyên đội hình và lòng quyết tâm, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, một lòng hướng về miền Nam ruột thịt.
Đầu năm 1967, toàn đơn vị xuống hoạt động ở huyện Bù Đốp (tỉnh Phước Long) và được giao nhiệm vụ đánh biệt kích. Có thể nói, đây là lần đầu tiên đơn vị phải đối mặt với một đại đội rất giỏi đánh đồng rừng của địch, nhưng cũng chính ngay trong trận đánh đầu tiên này, đơn vị đã tiêu diệt gọn 96 tên Mi-ca-phooc (đội biệt kích dù Mĩ), bắn rơi tại chỗ một máy bay trực thăng chỉ trong vòng hơn một giờ đồng hồ.
Ông kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm đánh xe tăng mà ông không bao giờ quên trong ký ức. Lần đầu tiên Tiểu đoàn 5 được giao nhiệm vụ đánh xe tăng ở xã Tân Khai, đường 13 (tỉnh Bình Long). Trung đoàn ra lệnh phải mò địch, bám địch mà đánh. Khi đó, bầu trời ánh trăng sáng như ban ngày, nhìn rõ mồn một từng tên địch, nhận thấy đây là điều kiện thuận lợi cho việc tiêu diệt địch, đến 11 giờ đêm ngày 12-8-1967, tiểu đoàn bắt đầu nổ súng. Lúc bấy giờ, hướng của Đại đội 7 do ông chỉ huy có 3 cụm xe tăng, mỗi cụm 3 chiếc thuộc Sư đoàn 1 “Anh cả đỏ”. Loạt đầu tiên, Đại đội bắn cháy mỗi cụm 1 xe khiến địch không kịp trở tay, sau đó tiêu diệt hết toàn bộ 9 xe. Thừa thắng xông lên, ta bắn vào khu thông tin của địch, tiêu diệt “Anh cả đỏ” của Mỹ. Cũng chính bởi qua trận đánh đầu tiên này, anh em chiến sĩ đã tự tin, vững vàng hơn nhiều để tiếp tục bước vào các trận đánh tiếp theo.
Một trong những trận đánh mà ông Bẩy nhớ mãi, đó là vào tháng 4-1975, lúc bấy giờ ông là trợ lý tác chiến của Bộ Chỉ huy miền có nhiệm vụ đưa đồng chí Chuông (Sư trưởng Sư đoàn 312) và cán bộ tham mưu tác chiến của Sư đoàn 312 đi chuẩn bị chiến trường cho Sư đoàn. Nhiệm vụ chính của Sư đoàn 312 lúc bấy giờ là tiêu diệt Sư đoàn 5 Ngụy ở căn cứ Lai Khê, Bến Cát và Phú Lợi, không cho địch co cụm về Sài Gòn và giải phóng thị xã Bình Dương. Ngày 28-4, các Trung đoàn của Sư đoàn 312 vào vị trí chiến đấu. Đến 8 giờ tối ngày 29-4, quân ta áp sát địch, các loại pháo của địch bắn về phía Sư đoàn liên tiếp. Được pháo của Quân đoàn, Sư đoàn chi viện, ta nổ súng áp đảo khiến địch chống trả quyết liệt. Các đơn vị tranh thủ thời cơ, áp sát mục tiêu theo các hướng đã được phân công. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30-4, ta làm chủ hoàn toàn thế trận, toàn bộ Sư đoàn 5 Ngụy tan rã. Đến 11 giờ, nghe tin tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, quân ta nhảy lên chiến hào, sung sướng hô vang: “Thắng lợi rồi! Hòa bình rồi!”.
Có thể nói, những trận đánh ông Bẩy từng tham gia ở chiến trường miền Đông Nam Bộ là những trận chiến quyết liệt, những trận bão lửa dữ dội góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Đây là một trong những cứ điểm mà địch tập trung nhiều lực lượng và tổ chức chống cự điên cuồng. Với sự hiệp đồng chiến đấu anh dũng của các lực lượng tinh nhuệ, cùng với sự nổi dậy đều khắp đã tạo điều kiện cho các cánh quân tiến thẳng vào trung tâm thành phố Sài Gòn, Gia Định buộc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh phải đầu hàng. Ông bảo: “Ai ở trong giây phút thiêng liêng đó mới hiểu được sự sung sướng, hạnh phúc của chúng tôi lúc bấy giờ”.
Cầm những kỷ vật ghi dấu những chiến công của đời lính trên tay, ông Bẩy xúc động chỉ cho chúng tôi từng dấu mốc lịch sử gắn với từng tấm Huân chương, trong đó có tấm Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Hai và Ba; Huân chương Chiến công hạng Hai, hạng Ba; danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp Ưu tú; danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới... cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trở về cuộc sống đời thường, không ngừng phát huy phẩm chất người lính bộ đội Cụ Hồ, ông lại tiếp tục cống hiến sức mình vào các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam của xã. Hiện nay, với vai trò là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Đồng Bẩm, ông luôn được mọi người tin yêu bởi sự nhiệt tình trong công tác Hội. Ông Đào Hồng Lịch, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: “Ông Đàm Quang Bẩy mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động hội cũng như các hoạt động của địa phương, là tấm gương sáng cho các tầng lớp nhân dân trong xã và con cháu học tập, noi theo...”