Cảnh giác với dịch cúm A/H7N9

17:02, 30/06/2017

Dịch cúm A/H7N9 đang có diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, nước có chung đường biên giới với Việt Nam. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cúm A/H7N9 trên gia cầm, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

P.V: Hiện dịch cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam rất cao, vậy, nguy cơ của dịch bệnh này đối với tỉnh ta như thế nào, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Văn Trường: Cúm A/H7N9 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A/H7N9 có nguồn gốc gen từ vi rút cúm gia cầm gây nên. Bệnh đặc biệt nguy hiểm vì không có bất kỳ biểu hiện nào trên đàn gia cầm nhiễm bệnh (khác với các chủng cúm A/H5N1 gây chết gia cầm hàng loạt). Từ năm 2016 đến nay, tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến rất phức tạp. Ở khu vực châu Á có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện dịch cúm gia cầm, như: Hàn Quốc, Đài Loan, Campuchia… Đặc biệt, ở Trung Quốc tình hình cúm A/H7N9 xuất hiện và lây lan trên diện rộng, làm chết nhiều người. Từ đầu năm đến nay đã có ổ dịch cúm A/H5N1 tại xã Bình Long (Võ Nhai), chưa phát hiện cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm và người.

 

Trên địa bàn tỉnh có khoảng, trên 10 triệu gia cầm, Thái Nguyên lại là tuyến đường chính để vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn xuôi theo Quốc lộ 1B đi các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và từ các cửa khẩu tại Cao Bằng xuôi theo Quốc lộ 3 về Hà Nội, vì thế, nguy cơ dịch bệnh cúm A/H7N9 xuất hiện trên địa bàn được đánh giá ở mức cao.

 

P.V: Loại cúm gia cầm A/H7N9 có dễ dàng lây lan qua người không? Và thường lây qua hình thức nào? Xin ông cho biết những biểu hiện cụ thể của cúm A/H7N9 trên người?

 

Ông Nguyễn Văn Trường: Cúm A/H7N9 lây truyền từ gia cầm sang người chủ yếu qua đường hô hấp do hít phải các hạt khí chứa vi rút hoặc qua đường niêm mạc do văng, bắn các giọt chất tiết của gia cầm hay người nhiễm cúm vào niêm mạc mắt, mũi, miệng người lành; đồng thời có ít nhất một trong các yếu tố sau: có tiền sử ở, đi, đến từ vùng có dịch; tiếp xúc trực tiếp với gia cầm ốm/chết; tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bệnh cúm A/H7N9 (trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát).

 

Người mắc bệnh cúm A/H7N9 thường có biểu hiện: Sốt đột ngột, ho, khó thở và nguy hiểm hơn là biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp. Bệnh cúm A/H7N9 trên người diễn biến nhanh, nặng, tỷ lệ tử vong được xếp ở mức cao, khoảng 40%. Hiện, chưa ghi nhận trường hợp cúm A/H7N9 lây truyền từ người sang người.

 

P.V: Trung tâm Y tế dự phòng đã triển khai những hoạt động gì để phòng, chống dịch bệnh cúm A/H7N9?

 

Ông Nguyễn Văn Trường: Ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh cúm A/H7N9 và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể và tham mưu cho Sở Y tế trình Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh ban hành Kế hoạch số 35 ngày 9-3-2017 về Hành động phòng, chống dịch cúm A/H7N9 tại Thái Nguyên. Trong đó phân công các thành viên Ban Chỉ đạo và các cấp, ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các tình huống của dịch bệnh cúm A/H7N9. Cùng với đó, Trung tâm đã chỉ đạo các tung tâm y tế tuyến huyện xây dựng kế hoạch và tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp huyện ban hành kế hoạch phòng chống Cúm A/H7N9. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng chống dịch với đầy đủ trang thiết bị cần thiết sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ khoang vùng, dập dịch khi được yêu cầu. Ở mỗi huyện, thành, thị cũng đều có 2 đội cơ động phòng chống dịch bệnh. Công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9, những biểu hiện của bệnh trên người, cách phòng bệnh cũng được thực hiện thường xuyên và hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với ngành Y tế, ngành Thú y cũng định kỳ lấy mẫu giám sát việc lưu hành của vi rút và chủ động đề xuất các biện pháp phòng, chống. Các huyện, thành, thị đã chủ động phối hợp thực hiện công tác tiêm phòng, sát trùng, tiêu độc làm sạch môi trường nên đã góp phần kiểm soát dịch bệnh.

 

P.V: Xin ông cho biết những khuyến cáo của ngành Y tế với người dân để phòng chống dịch cúm A/H7N9?

 

Ông Nguyễn Văn Trường: Hiện nay chưa có vắc xin để phòng bệnh cúm A/H7N9, cũng chưa có biện pháp phòng bệnh và điều trị đặc hiệu cho bệnh này, vì vậy, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh sau: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc. Không vứt xác gia cầm ốm, chết ra môi trường mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

 

Ngoài ra, cần giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn chuồng trại chăn nuôi. Những người tiếp xúc với gia cầm cần mặc trang phục bảo hộ, đeo khẩu trang, mang găng tay và khử khuẩn các vật dụng này sau khi sử dụng. Khi phát hiện trường hợp có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như sốt đột ngột, ho, đau họng, khó thở phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời.

 

P.V: Xin cảm ơn ông!