Không chủ quan với "giặc lửa"

17:01, 28/06/2017

Tuy mới bắt đầu vào mùa nắng nóng nhưng nhiệt độ ngoài trời trong những ngày qua đã có lúc lên tới hơn 40 độ C, độ ẩm thấp, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Chính vì vậy, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ đã tích cực phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).  

Những ngày giữa tháng 6 vừa qua, trời nắng nóng như đổ lửa, nhưng đến thăm khu rừng của gia đình ông Luân Văn Ý, ở xóm Na Dẫy, xã Khe Mo (Đồng Hỷ), chúng tôi cảm thấy thật khoan khoái, dễ chịu. Cả khu rừng bạt ngàn màu xanh của cây keo lai phủ khắp những quả đồi bát úp. Trên sườn một quả đồi, ngôi nhà của gia đình ông Ý được xây 2 tầng khang trang. Trò chuyện với chúng tôi, ông chia sẻ: Sau nhiều năm vất vả chăm sóc, rừng đã không phụ công người, đến nay 1ha cho thu nhập từ 75-90 triệu đồng. Căn nhà này được xây dựng từ nguồn tiền gia đình tôi bán gỗ; xe máy, ti vi, tủ lạnh cũng từ đó mà ra. Gia đình tôi hiện có hơn 10ha rừng, cứ sau chu kỳ 7 năm lại cho khai thác được khoảng 600 triệu đồng. Vì thế, chúng tôi luôn quan tâm tới khâu chăm sóc, bảo vệ, PCCCR. Vào mùa nắng nóng, tôi thường xuyên tiến hành phát dọn thực bì, thu dọn lá khô và tạo đường băng cản lửa...

 

Còn ông Luân Văn Thịnh, một hộ dân ở cùng xóm cho biết: Bà con ở đây luôn nâng cao ý thức bảo vệ, PCCCR. Vào những ngày nắng nóng cao điểm, chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, nếu thấy khu vực nào có khói bốc lên thì lập tức gọi điện cho bà con trong xóm, xã đến ứng cứu kịp thời. Rất may, nhờ nâng cao ý thức cảnh giác nên từ trước tới giờ, trên địa bàn xóm chưa xảy ra vụ cháy rừng lớn gây thiệt hại về kinh tế.

 

Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Khe Mo thông tin thêm: Toàn xã hiện có hơn 1.680ha rừng, độ che phủ đạt 56%. Hàng năm, xã luôn thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức hiệu quả các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ. Hiện nay, 15/15 xóm đều xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng; đồng thời, sẵn sàng lực lượng để phối hợp ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng và PCCCR, nhất là vào mùa nắng nóng, hanh khô. Vì vậy, trong những năm qua, trên địa bàn xã không có hiện tượng khai thác, vận chuyển, mua bán, chế biến lâm sản trái phép, không để xảy ra cháy rừng.

 

Được biết, toàn huyện Đồng Hỷ hiện có trên 23.800ha rừng; trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 4.500ha, còn lại là diện tích rừng trồng. Nếu như trước đây, một số chủ rừng chưa chấp hành nghiêm các quy định về PCCCR, chưa tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; hệ thống thông tin liên lạc chưa đồng bộ nên khi phát hiện cháy rừng, việc báo cáo cho cơ quan chuyên môn và lực lượng chữa cháy còn chậm... thì nay, những tồn tại này đã được khắc phục. Cụ thể, từ năm 2015 trở lại đây, Hạt kiểm lâm huyện Đồng Hỷ đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến từng người dân. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với tài nguyên rừng; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chữa cháy cho đội ngũ cán bộ, lực lượng tại các xóm và chủ rừng; triển khai thực hiện tốt các phương án PCCCR đã được phê duyệt. Ngoài ra. Hạt còn chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp phối hợp với cơ sở hướng dẫn bà con tiến hành thu dọn thực bì dưới tán rừng trồng như cỏ, lau, cây bụi, bởi những loại này sẽ làm đám cháy lan tràn nhanh và rất nguy hiểm.

 

Nói về công tác PCCCR trong mùa nắng nóng năm nay, ông Lâm Mạnh Hải, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết: Để giảm tối thiểu các vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm  bám sát địa bàn phối hợp cùng các tổ quần chúng bảo vệ rừng và PCCCR của các thôn, xóm tổ chức tuần tra, xử lý kịp thời các hành vi làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Trong những ngày nắng nóng cao điểm và kéo dài, chúng tôi phân công cán bộ trực 24/24 giờ để chỉ đạo thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ nhằm phát hiện sớm, tổ chức cứu chữa kịp thời, triệt để nếu có tình huống cháy xảy ra.